Sau bán lẻ, người Thái "để ý" đến bất động sản Việt Nam

Sau bán lẻ, người Thái "để ý" đến bất động sản Việt Nam

Cuộc đổ bộ vào ngành bán lẻ dường như chưa đủ với sự mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Thái. Họ đang để ý và tiến tới thị trường bất động sản Việt Nam.


Cách đây hơn một năm, thị trường chứng kiến cuộc đổ bộ chưa từng có của các doanh nghiệp Thái Lan vào ngành bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Central Group mua lại BigC với giá 1,05 tỷ USD, Tập đoàn Berli Jucker mua lại Metro Cash & Carry với giá khoảng 879 triệu USD, Singha Group chi 1,1 tỷ USD để thâu tóm cổ phần hai công ty con của tập đoàn Masan Group… là những thương vụ lớn gây chú ý trên thị trường.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp Thái đã đổ bộ và thâu tóm doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

Cuối năm 2012, Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng).

Prime là nhà sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam. Đây cũng chính là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực vật liệu xây dựng của Việt Nam cho tới nay.

Sau ban le, nguoi Thai 'de y' den bat dong san Viet Nam hinh anh 1
Quy mô của một số thương vụ lớn doanh nghiệp Thái đầu tư vào Việt Nam. Đồ họa: Hiếu Công.

 

Sau đó, SCG tiếp tục mua lại Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) với giá 156 triệu USD. Với cuộc “thâu tóm” này, SSG vươn lên trở thành một trong những nhà sản xuất vật liệu xây dựng lớn nhất tại Việt Nam, qua đó có thể chi phối thị trường bằng “quyền lực” của mình.

Trước đó, hãng xi măng lớn thứ 2 Thái Lan là Tập đoàn Siam City Cement (SCCC) chi gần 580 triệu USD để mua lại 65% cổ phần LafargeHolcim Việt Nam. Đây là một tập đoàn đa ngành của Thái Lan, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì.

Ngoài ra, Nawaplastic Industries (Saraburi) cũng nắm giữ 22,7% cổ phần của Công ty Nhựa thiếu niên Tiền Phong (NTP) và 16,7% cổ phần của Nhựa Bình Minh (BMP) - 2 công ty chiếm lĩnh thị trường ống nhựa ngoài bắc và trong nam.

Việc các doanh nghiệp Thái liên tiếp thâu tóm hoặc đóng vai trò quan trọng trên thị trường sản xuất vật liệu xây dựng tạo lợi thế rất lớn để họ có thể vươn ra ngành bất động sản rộng lớn hơn. Thời gian gần đây, dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp Thái Lan quan tâm và nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng thấy rõ.

Đầu tiên là Tập đoàn Amata với việc đầu tư vào bất động sản công nghiệp trên cả nước. Từ Bắc vào Nam có nhiều công trình, khu công nghiệp, khu đô thị kết hợp khu công nghiệp được tập đoàn này xây dựng như tại Đồng Nai, Quảng Ninh… Các khu công nghiệp kết hợp đô thị của tập đoàn này luôn thu hút hàng chục doanh nghiệp cũng như hàng chục nghìn lao động.

Một “đại gia” khác là CP Group đã vào Việt Nam từ lâu và mới công bố đầu tư 3,6 tỷ USD trong 5 năm tới, trong đó một nửa khoản đầu tư sẽ rót vào bất động sản và một chuỗi cửa hàng bán lẻ.

Sau ban le, nguoi Thai 'de y' den bat dong san Viet Nam hinh anh 2
Amata đã đầu tư vào bất động sản công nghiệp Việt Nam từ hàng chục năm qua. Ảnh: Amata Việt Nam.

 

Theo một số chuyên gia, việc Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group - đổ vốn sở hữu 49% điện máy Nguyễn Kim, cũng nhằm mục đích nhắm tới quỹ đất rất lớn và các dự án bất động sản trong tương lai.

Quỹ Đầu tư Probus Opportunities Mekong Fund (trụ sở tại Thái Lan) cũng đã gặp gỡ Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Địa ốc Hoàng Quân, để tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác.

Quỹ đầu tư trên sẽ tìm hiểu về quy mô, hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản của Hoàng Quân, sau đó có phương án đầu tư phù hợp.

Ngoài việc "để ý" đến thị trường bất động sản nói chung, các doanh nghiệp Thái Lan vẫn ngày càng củng cố và thâu tóm nhiều doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng.

Theo TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch hiệp hội Xi măng Việt Nam, xu hướng doanh nghiệp Thái mua bán doanh nghiệp ngành xi măng nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung ngày càng nhiều và khó tránh khỏi. TS. Cung cho biết doanh nghiệp ngành xi măng Việt Nam ngày càng kinh doanh khó khăn, khó cạnh tranh và nợ ngân hàng rất nhiều.

Các doanh nghiệp Thái với sức mạnh của mình mua lại với giá rẻ, sau đó củng cố lại hoạt động kinh doanh. Điều này là quy luật tất yếu, và Việt Nam phải chấp nhận khi hội nhập.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu thì lạc quan về xu hướng người Thái đổ vốn vào bất động Việt Nam.

Ông Châu cho rằng các doanh nghiệp Thái Lan mới chỉ dừng lại ở mức thăm dò và tìm hiểu thị trường Việt Nam, chứ chưa có dự án nào nổi bật. “Doanh nghiệp Việt vẫn đang thống lĩnh thị trường bất động sản. Nếu có thêm vốn FDI từ Thái Lan thì càng làm thị trường sôi động hơn”, ông Châu nhấn mạnh.

Theo VietNamNet

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang