Doanh nhân Việt và bài toán phát triển đất nước

Doanh nhân Việt và bài toán phát triển đất nước

Tự thân các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam luôn mong chọn con đường lớn lên, so được với “thiên hạ” và giải được các bài toán lớn của đất nước.

Nguồn:Báo Đầu tư

Các đại biểu tham dự Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước (tháng 9/2024). Ảnh: đoàn bắc.

Lời gan ruột của doanh nhân

Bước chân ra khỏi hội trường Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco vẫn chưa hết trăn trở.

“Tôi đã nói hết mong muốn của mình và cũng rất sốt ruột, vì thực sự rất muốn được làm các dự án lớn, quan trọng của đất nước”, ông Tiền trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Điều này, ông cũng đã phát biểu ngay tại cuộc làm việc, khi “xin nói thẳng, nói thật”, vì cũng đã… U70, cống hiến đến giờ này cũng hơn 30 năm, nhưng “làm dự án vẫn khổ lắm”, đi lại quá nhiều, từ địa phương đến Trung ương...

“Tôi rất mong chúng ta phải thay đổi, phải có cách mạng về tư duy, đột phá trong cơ chế. Chứ nếu không, không biết chúng tôi có còn sức lực và quan trọng là còn tinh thần để làm không”, ông Tiền đặt ngược câu hỏi, gửi lãnh đạo Chính phủ, đại diện các bộ, ngành có mặt tại Hội nghị.

Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam. Và cũng là lần đầu tiên, câu hỏi “các doanh nghiệp có mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện các nhiệm vụ lớn nào không” được đặt lên bàn thảo luận.

Nhiệm vụ lớn cũng đã được gọi tên, đó là đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững như xe điện, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), nông nghiệp chất lượng cao và phát thải thấp…; tham gia các dự án lớn của đất nước như đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đường sắt Viên Chăn - Vũng Áng, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi…

Việc ông Tiền phải đặt ngược câu hỏi là có lý do.

Vài tháng trước, Geleximco nhận được giấy phép liên doanh thực hiện Dự án Sản xuất ô tô cùng với Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo thuộc Tập đoàn Chery (Trung Quốc). Việc tưởng như rất thuận với doanh nghiệp có bề dày liên doanh, liên kết cùng các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành như Geleximco, nhưng lại phải trông vào sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và các Phó thủ tướng. “Nếu không, thì chắc 2 năm nữa không xong, nghĩa là hết cơ hội”, ông Tiền giãi bày.

“Rừng cơ chế” mà doanh nghiệp này bước vào mà không biết đi lối nào, ra lối nào khiến vị doanh nhân khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng từ năm 1993, phát triển và đạt nhiều thành tựu trong hoàn cảnh đất nước muôn vàn khó khăn, gần như không có điều kiện gì thuận lợi cho kinh doanh, cũng phải e ngại. Ông Tiền thừa nhận đã phải bỏ qua vài kế hoạch đầu tư nhà máy điện rác, vì chính sách không rõ ràng.

Trong khi đó, danh sách dự án muốn được làm của ông vẫn còn dài, chứa đựng nhiều khát vọng thay đổi, như sử dụng cát biển làm đường cao tốc, hay dự án 2 bên bờ sông Hồng...

Trăn trở này không chỉ của riêng ông Tiền.

Sứ mệnh lịch sử

Thời điểm này, các doanh nghiệp lớn đang được kỳ vọng sẽ tiên phong thực hiện những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.

Song theo đánh giá của PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thì các doanh nhân Việt Nam đã làm điều này từ rất sớm. “Khu vực tư nhân ngay khi xuất hiện vào những năm 1980 - 1990 của thế kỷ trước đã trở thành lực lượng ‘cứu nguy’ cho nền kinh tế mỗi khi lâm vào khủng hoảng, khó khăn”, ông Thiên nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Thiên khẳng định, một thế hệ doanh nghiệp dân tộc quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh toàn cầu đã hình thành, dù chưa nhiều như mong muốn. Chỉ riêng 12 doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia cuộc làm việc với Thường trực Chính phủ có tổng tài sản khoảng 70 tỷ USD (tính đến cuối năm 2023). Đó là những thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong nhiều ngành, lĩnh vực, như Vingroup, T&T Group, Thủy sản Minh Phú, Masan Group, Geleximco, Sun Group, Thaco, Hòa Phát, REE, KN Holdings, Sovico, TH.

Vì vậy, dù bài toán Chính phủ mới đặt ra là huy động được khối tài sản này cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp lớn để bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo tính tự chủ của kinh tế đất nước, song các doanh nhân đều nói, họ đang đau đáu với rất nhiều kế hoạch, mong muốn thực sự vì đất nước.

Ví như, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup muốn tài trợ cho các giáo viên tiếng Anh lên vùng sâu, vùng xa giảng dạy, để mọi trẻ em đều có cơ hội trở thành công dân toàn cầu; muốn gia tăng chỉ tiêu đào tào nguồn nhân lực cho công nghệ bán dẫn, AI..., chứ không chỉ là người tiên phong của ô tô điện thương hiệu Việt.

Bà Nguyễn Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Vietjet Air đang trên hành trình đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển của quốc tế, của khu vực và thế giới trong dịch vụ hàng không, không dừng lại ở mong muốn khởi điểm là ai cũng có thể bay.

Với ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings, mối quan tâm lớn hiện tại là được triển khai các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư đảm bảo tính khả thi, triển khai nhanh, thực hiện theo hình thức mua bán điện trực tiếp và ít sử dụng đất như các dự án điện năng lượng mặt trời nổi.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú mang khát vọng của nhà sáng lập Lê Văn Quang về ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam đều cam kết cùng Chính phủ tìm kiếm từng điểm phần trăm cho tăng trưởng năm 2024, một năm đầy khó khăn, nhưng là bản lề cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc phía trước.

Song, cơ chế, chính sách và cả tư duy quản lý nhà nước dường như khiến nhiều kế hoạch lớn lao trên vẫn đang ở bước đề xuất, mong muốn.

Không gian cho doanh nghiệp lớn lên

Bài toán lớn của quốc gia không thể chỉ trông vào các doanh nghiệp lớn hiện hữu. Nền kinh tế cần nhiều doanh nghiệp lớn hơn nữa. Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 10/2024 , Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã nhấn mạnh khuyến nghị này.

Chính các doanh nghiệp cũng nhìn nhận rõ điều đó khi nhắc tới sự thiếu hụt của công nghiệp hỗ trợ, mong muốn tạo dựng các chuỗi liên kết ngành…

Thực tế, số doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 2% trong 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang tỏ ra “hụt hơi” so với khu vực kinh tế khác trong quá trình phục hồi sau dịch bệnh và chịu tác động bởi bất ổn địa - chính trị. Số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui tăng cao.

Việc đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đang rất khó, gồm cả mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp nói chung và số doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…

Tuy nhiên, bối cảnh cục diện chính trị và kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, xuất hiện ngày càng rõ nét các xu hướng bảo hộ mới gắn với các yêu cầu kỹ thuật - thương mại mới, đòi hỏi Việt Nam phải có những doanh nghiệp có năng lực dẫn dắt để tạo động lực mới cho nền kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm quốc gia, cũng như các ngành, lĩnh vực mới nổi, để tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt và nền kinh tế.

“Rất cần một chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc”, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân khuyến nghị. Họ cũng đặc biệt trông đợi vào việc Chính phủ đặt ra các bài toán lớn quốc gia theo cơ chế “đặt hàng”, với yêu cầu liên kết chuỗi giá trị nội địa, với các cơ chế minh bạch, đảm bảo sự công bằng, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân… Đây là môi trường thuận lợi giúp nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ có sức chống chịu tốt, khả năng linh hoạt cao, mà còn có cơ hội chọn con đường lớn lên, vươn xa, giành vị thế dẫn dắt.

Năm bài học thành công từ các nền kinh tế châu Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Israel và Singapore được phân tích. Các nền kinh tế này đã bắt kịp thế giới phát triển ở cả 4 chỉ tiêu chủ yếu (gồm thu nhập quốc dân, Chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF, Chỉ số phát triển con người của Liên hợp quốc và Chỉ số cạnh tranh công nghiệp của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc - UNIDO).

Điều ông Tín nhận thấy là, trong lợi thế cạnh tranh quốc gia của cả 5 nền kinh tế trên cùng có một thành tố quan trọng là chất lượng của đội ngũ hành chính công chuyên nghiệp (civil service) toàn tâm, toàn ý phục vụ sự phát triển của đất nước, không bị tác động bởi các chính sách dân túy hay tư duy nhiệm kỳ.

“Mục tiêu nên là tạo môi trường kinh doanh tại Việt Nam so được với các nền kinh tế tốt nhất. Khi đó, tự thân các doanh nghiệp Việt Nam sẽ so được mình với thiên hạ”, ông Tín khẳng định.

Lời giải cho bài toán huy động nguồn lực, sức lực của doanh nghiệp tham gia các dự án, công trình lớn của quốc gia và cả bài toán lớn lên của doanh nghiệp Việt đang dần rõ nét hơn…

Báo Đầu tư
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang