Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn Y Dược Quốc tế (IMC).
Chúng tôi nhận thấy, mấy năm gần đây, IMC đẩy mạnh đầu tư vào các dự án có phần “trái ngành”. Đầu tư vào những dự án này có mạo hiểm quá không, thưa ông?
Như bạn đã thấy, trong những năm vừa qua, IMC không ngừng đầu tư vào các dự án nông nghiệp, không phải là nông nghiệp đơn thuần, mà là nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch và phát triển cộng đồng. Chúng tôi đã đầu tư dự án nuôi chim yến bằng công nghệ sinh học ở Bình Phước, đồng thời phát triển các sản phẩm gắn với chim yến. Tiếp theo, Công ty đầu tư dự án nuôi tôm bằng công nghệ lượng tử. Năm nay, IMC tiếp tục đầu tư dự án phát triển cốm truyền thống gắn với nông nghiệp hữu cơ và công nghệ; xây dựng vùng dược liệu ở Bình Liêu (Quảng Ninh).
Các dự án của chúng tôi đang bước đầu mang lại thành quả. Cụ thể, năm nay, chúng tôi sẽ có những sản phẩm đầu tiên được sản xuất từ yến và những sản phẩm này có thể xuất khẩu. Công ty cũng đã thu được những mẻ tôm đầu tiên bán ra thị trường.
Thực tế, đầu tư vào nông nghiệp là đầu tư mạo hiểm, vì không biết “điểm hòa vốn” nằm ở đâu. Thuận thời tiết thì có thể có lợi nhuận sớm, nhưng không thuận, thì… làm lại từ đầu. Nhưng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là bước đi đúng đắn của IMC trong thời gian tới.
Mục tiêu mà IMC hướng tới khi đầu tư vào các dự án này là gì?
Giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp là đem lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng. Chính vì vậy, những hoạt động của IMC luôn hướng tới mục tiêu, sứ mệnh là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các dự án mới của IMC cũng sẽ hướng tới phục vụ những giá trị tốt đẹp đó.
Trước hết, mục tiêu của IMC khi đầu tư vào các dự án mới là giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm của IMC bao gồm thảo dược quý (theo y học cổ truyền và thế mạnh của Việt Nam) kết hợp với công nghệ (như công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học lượng tử bio-quantum…) và các loại khoáng chất, vitamin. Có thể nói, mỗi sản phẩm được đưa ra thị trường đều là sự kết hợp hoàn hảo của tính thời đại và văn hóa truyền thống Việt Nam.
Thứ hai, việc áp dụng các công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, thực hiện đúng theo Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2023. Trong Nghị quyết nêu rõ, một trong các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế là tập trung nghiên cứu, sản xuất thuốc, vắc-xin đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong công nghiệp dược phẩm, công nghệ gene, sản xuất nguyên liệu và các loại thuốc sinh học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược.
Thứ ba, tạo động lực lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác như các hộ gia đình, hợp tác xã, những người yếu thế, nông dân hoặc người vùng sâu, vùng xa đều có thể tham gia chuỗi giá trị này. Đồng thời, bảo tồn giá trị văn hóa làng xã, vùng miền thông qua các trải nghiệm du lịch và giáo dục.
Thứ tư, các dự án sẽ tác động đến kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm cho người lao động, giúp xóa đói giảm nghèo.
Dự án khó, đầu tư mạo hiểm đồng nghĩa với rủi ro tiềm ẩn. Trong quá trình triển khai những dự án này, IMC có gặp phải khó khăn, thách thức nào không, thưa ông?
Đầu tư vào một hướng đi mới chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cũng vậy.
Trước hết, đầu tư vào những dự án này cần lượng vốn lớn, nên rất ít người dám tham gia đầu tư cùng. Chưa kể, rủi ro cao, như thời tiết không thuận lợi sẽ phải làm lại từ đầu, thế nên, cũng không mấy người dám tham gia. Dẫu vậy, với việc xây dựng kế hoạch phát triển từng bước rõ ràng, chúng tôi cũng sẽ thuyết phục được các nhà đầu tư, nên nhiều dự án của IMC dù rất khó, nhưng vẫn được triển khai đúng như kế hoạch.
Một vướng mắc nữa mà các dự án nông nghiệp công nghệ cao nói chung thường gặp phải là các thủ tục hành chính phức tạp, thiếu cơ chế, chính sách, quy định, thậm chí “trên trải thảm, dưới trải đinh”, khiến dự án lâu được phê duyệt, làm chậm tiến độ.
Chẳng hạn, những thủ tục liên quan đất đai, tài nguyên, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý… khá phức tạp, có nhiều vấn đề mới mà chính quyền địa phương trả lời thẳng thừng là “chưa gặp bao giờ”. Giải quyết vấn đề, lần theo mối để gỡ rối sẽ tốn nhiều thời gian. Do vậy, nếu nhà đầu tư không quyết tâm, thì dễ dẫn tới nản lòng.
Chính vì vậy, chúng tôi thường chia nhỏ các bước, xây dựng các vùng mẫu để nhân lên, chứ không quy hoạch một vùng lớn khiến dự án bị chậm. Ví dụ, mô hình mẫu nhà yến của chúng tôi ở Bình Phước đã có rất nhiều nhà đầu tư tới tìm hiểu, mong muốn hợp tác. Có như vậy mới tránh được nhiều rủi ro, vướng mắc và cộng đồng mới nhanh được hưởng lợi.
Như vậy, triết lý kinh doanh của IMC là vì lợi ích của cộng đồng?
Đúng vậy. Vì cộng đồng và vì môi trường là những giá trị cốt lõi mà IMC hướng tới ngay từ khi thành lập.
Với IMC, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dược liệu và dược phẩm sẽ vẫn là hướng đi chủ đạo thời gian tới, hay có sự thay đổi nào, thưa ông?
Trong thời gian tới, IMC vẫn tập trung vào chăm sóc sức khỏe bằng các giải pháp từ thiên nhiên. Bên cạnh thực phẩm chức năng, các sản phẩm từ dược liệu, chúng tôi sẽ xây dựng hệ thống trung tâm chăm sóc sức khỏe chủ động - theo ngôn từ hiện đại là “chữa lành”.
Các trung tâm này sẽ được xây dựng tại các khu vực dự án du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp nông nghiệp công nghệ cao mà IMC đang đầu tư xây dựng. Tại đó, du khách được hướng dẫn cách “chữa lành” cả thể chất và tinh thần bằng các biện pháp thư giãn tinh thần nổi bật của thế giới, kết hợp với các sản phẩm do Công ty sản xuất và cung cấp.
Hy vọng, với mô hình phát huy thế mạnh dân tộc này, các trung tâm của chúng tôi sẽ được nhân rộng, không chỉ trong nước, mà cả ở nước ngoài.
Có lẽ, đó là công nghiệp xanh rồi nhỉ. Đầu tư vào các mô hình phát triển công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính… là triết lý kinh doanh, là cốt lõi, là văn hóa của IMC ngay từ những ngày đầu thành lập. Toàn bộ nhân sự của IMC đã thấm nhuần điều này. Và đối với chúng tôi, công nghiệp xanh không còn là vấn đề mới, là “trend” nữa rồi.
Thưa ông, trong những năm đại dịch Covid-19 hoành hành và thời gian sau đó, nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đều gặp khó khăn, nhưng IMC vẫn có được những thành tựu bước đầu. Vậy đâu là bí quyết của IMC?
Thực ra, không có bí quyết gì cả. Ai làm kinh doanh cũng vậy thôi, đều phải biết đón đầu xu thế, như xu thế bảo vệ môi trường, hướng tới công nghiệp xanh mà bạn vừa đề cập. Trong vài năm gần đây, những vấn đề như khí thải nhà kính, tín chỉ carbon hay net zero mới được nhắc tới nhiều, nhưng từ thập kỷ trước, chúng tôi đã hướng tới dược liệu hữu cơ, sản xuất xanh… Từ lúc xây dựng Công ty, chúng tôi đã đặt ra 3 mục tiêu để phát triển: môi trường, sức khỏe, văn hóa. Việc đảm bảo tốt từng mục tiêu, kết hợp nó trở thành thành tố chính của từng sản phẩm mới không bị lạc hậu so với sự phát triển của thế giới. Đánh giá sự vận hành của thế giới lâu dài, xây dựng chiến lược “bắt trend” cho mình, sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững.
Về mặt này, tôi tin rằng, bất cứ người kinh doanh, nhà đầu tư nào cũng biết. Điều quan trọng là biết bắt kịp thời điểm và đi trước một bước.