Sáng ngày 9/7, "Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024" (PBCF) lần đầu tiên đã chính thức diễn ra tại Khách sạn Rex (TP.HCM) với sự tham dự của gần 300 khách mời là đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lãnh đạo TP.HCM, các Sở Ban ngành và hơn 200 khách mời là các chuyên gia, Chủ tịch các Hiệp hội, các Hội, Học viện, Trường Đại học, các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông...
Diễn đàn do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện Sáng kiến Việt Nam, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng khẳng định: "Doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất tạo ra của cải cho toàn xã hội, đóng góp vào GDP quốc gia và GRDP của Thành phố, tạo việc làm cho người dân và nguồn thu ngân sách cho Nhà nước. Năng lực cạnh tranh của địa phương không chỉ dựa vào năng lực điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố (PCI) mà còn dựa vào năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp. Sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp TP.HCM, thông qua việc tự nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế Thành phố.
Báo cáo năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp TP.HCM sẽ giúp các doanh nghiệp nhìn nhận vào những điểm mạnh, điểm yếu còn tồn tại đang kéo năng lực cạnh tranh của chính mình chững lại hoặc đi xuống trong thời gian qua, so với một số địa phương khác trong cả nước".
Chia sẻ mục đích việc tổ chức Diễn đàn, ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn- Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn cho biết, Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh không chỉ là một hoạt động khoa học, truyền thông đơn thuần và không để so sánh năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp các tỉnh - thành với nhau, mà quan trọng nhất là thông qua đây, các nhà quản lý, doanh nhân, chuyên gia, các hội doanh nghiệp và cơ quan truyền thông sẽ có thêm thông tin cùng nghiên cứu và tìm ra giải pháp phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính lực lượng doanh nghiệp và nền kinh tế của địa phương mình.
Tại Diễn đàn, các diễn giả đã trình bày các tham luận, chia sẻ góc nhìn cũng như đề xuất một số giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: "Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là yếu tố then chốt, không những quyết định sự phát triển của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế tỉnh. Tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp địa phương, cần có cái nhìn tổng thể và đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược phát triển, môi trường kinh doanh, vị trí địa lý, lực lượng lao động, lợi thế cạnh tranh và nhiều yếu tố khác của địa phương để xác định vị thế, xây dựng chiến lược và đưa ra giải pháp phù hợp".
Ở góc độ báo chí, ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: "Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn khó khăn trong xây dựng quan hệ với báo chí để xúc tiến xây dựng thương hiệu. Đặc biệt trong quá trình phát triển, nhiều doanh nghiệp gặp khủng hoảng truyền thông, rất cần sự phối hợp báo chí, kỹ năng xử lý để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực cạnh tranh".
Ông Dũng nhấn mạnh: "Các cơ quan báo chí cần có sự lắng nghe, chia sẻ, tư vấn xác thực, kịp thời về truyền thông, cùng tìm giải pháp tháo gỡ, xử lý khủng hoảng, để doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, giữ được niềm tin của đối tác, người tiêu dùng. Cần hạn chế tối đa việc đưa những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng bởi chỉ một bài báo thiếu khách quan sẽ gây những hệ lụy không hề nhỏ đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp mà phải qua bao năm mới gây dựng được. Về phía các doanh nghiệp, rất cần sự hợp tác, chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí để nâng cao nâng cao năng lực cạnh tranh".
Doanh nghiệp còn "lúng túng" khi hỏi về năng lực cạnh tranh
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông David Tân Nguyễn - Chủ tịch BrainGroup, Giám đốc Chiến lược BrainMark Vietnam cho rằng, xu hướng quản trị hiện nay hướng tới yếu tố quyết liệt và tốc độ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay còn thiếu sự đổi mới, sáng tạo, thiếu những tìm hiểu về xu hướng của thị trường một cách nhanh chóng và kịp thời.
Ngoài ra, một số lãnh đạo còn "lúng túng" khi được hỏi về "sức khoẻ" của doanh nghiệp của mình đang như thế nào. Bên cạnh đó, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp để tạo sự khác biệt về cạnh tranh thì phần lớn doanh nghiệp đang có "văn" nhưng thiếu "hoá". Nhân viên vẫn đọc các thông điệp hàng ngày từ lãnh đạo nhưng không hiểu, không thực hiện, không tạo được lực đẩy cạnh tranh".
Ông Nguyễn Khoa Mỹ - The Reputation Agency cũng cho rằng, doanh nghiệp chưa tận dụng hết được tài sản vô hình là sức mạnh từ thương hiệu và danh tiếng. Bốn trong nhiều xu thế về quản trị tài sản vô hình mà doanh nghiệp cần tập trung bao gồm: Phát triển bền vững môi trường, xã hội, quản trị (ESG); Lãnh đạo có trách nhiệm; Uy tín của doanh nghiệp; Năng lực “truyền thông” những điều mà doanh nghiệp đã, đang và sẽ làm. Nếu hoạch định cụ thể và thực thi được, doanh nghiệp sẽ tự nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình.
Doanh nghiệp phải hiểu năng lực của mình ở đâu?
Thời gian qua, một trong những điểm nghẽn khiến doanh nghiệp giảm sút năng lực cạnh tranh, đó là việc tiếp cận nguồn tín dụng. Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, Th.S Đỗ Thị Minh Châu – Học viện Cán bộ TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp cũng phải tự hỏi: Liệu mình đã “năng động” và chủ động để tiếp cận với các yêu cầu của các ngân hàng thương mại hay chưa? Doanh nghiệp cần hiểu rõ năng lực cạnh tranh của chính mình, nhất là năng lực nội sinh để thay đổi tư duy và hành động. Thay vì bị động chờ ngân hàng cho mình vay vốn, hãy chủ động hoạch định ưu điểm và giá trị của mình, từ đó, đặt ra nhu cầu với các ngân hàng để được hỗ trợ phù hợp.
Kinh nghiệm của tỉnh Ninh Thuận
Năm 2023, là một trong những địa phương có chỉ số PCI (Chỉ số chất lượng điều hành của chính quyền tốt nhất) nằm trong top 30 tỉnh thành cao nhất cả nước, ông Trịnh Minh Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ một số cách thức mà tỉnh Ninh Thuận đã cải thiện và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh như việc: Thực hiện khẩu hiệu chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp phải thực chất, lãnh đạo của địa phương cần đặt mình vào doanh nghiệp để thấu hiểu những khó khăn, điểm nghẽn để kịp thời tháo gỡ; Tăng cường sự trao đổi và tương tác gần gũi giữa chính quyền với doanh nghiệp; Tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp tiếp cận với tín dụng, chính sách về đất đai, thuế; Đặc biệt, ông nhấn mạnh, hiện nay không phải để nhà đầu tư và doanh nghiệp tìm đến chính quyền mà chính quyền phải tìm đến nhà đầu tư.
Công bố Báo cáo phân tích năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp TP.HCM 2023
Sau phần chia sẻ của các diễn giả, TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Indiana (Mỹ, thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam), thành viên Ban tổ chức Diễn đàn đã công bố Báo cáo phân tích Năng lực Cạnh tranh của doanh nghiệp TP.HCM năm 2023. TS Huỳnh Thế Du nhận định, TP.HCM vẫn là nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp đặt trụ sở và tổ chức hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của TP.HCM đang chậm lại so với bình quân chung của cả nước. “Sức khoẻ" của các doanh nghiệp cũng đáng lo ngại.
Cụ thể , Thành phố chỉ có duy nhất một doanh nghiệp góp mặt trong 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước vào năm 2022; không có doanh nghiệp nào trong 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo xếp hạng của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR500).
Báo cáo cũng chỉ ra các nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh doanh nghiệp TP.HCM giảm sút cả "chất" và "lượng" gồm :
+ Chiến lược hoạt động của chính lực lượng doanh nghiệp chưa rõ ràng và hoạt động còn chưa hiệu quả. Tính năng động của lực lượng doanh nghiệp của TP.HCM giảm đi một cách tương đối so với các địa phương khác trong cả nước; Quốc tế hóa hoạt động của các doanh nghiệp ở mức độ vừa phải. Các thương hiệu nước ngoài đang tạo áp lực rất lớn đối với các thương hiệu trong nước; Nhóm chỉ tiêu phản ánh năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp được đánh giá không lạc quan. Các chỉ tiêu gồm: mức độ tiếp thị, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, hiệu quả đo lường, năng lực đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ ở mức dưới trung bình một độ lệch chuẩn...
+ Trình độ phát triển cụm ngành còn khá khiêm tốn, thiếu vắng sự liên kết, tương hỗ, chưa thực sự hiệu quả gắn với nhu cầu và lợi ích của các hội viên cũng như cả ngành. Cơ chế đóng góp nguồn lực, tạo dựng và chia sẻ lợi ích chưa thực sự rõ ràng. Hoạt động của các hội nói riêng, hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM nói chung mang dấu ấn của các cá nhân theo các thời kỳ nhiều hơn là một cơ chế chung để tạo dựng sức mạnh tập thể; Thu thập và cung cấp thông tin còn khá khiêm tốn ở các hội...
+ Môi trường kinh doanh dù được cải thiện nhưng vẫn còn cách xa kỳ vọng của doanh nghiệp; Khoảng cách về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của TP.HCM so với kỳ vọng của các doanh nghiệp cũng như nền tảng của một nền kinh tế có năng suất cao còn rất lớn; Thủ tục hành chính đang là một gánh nặng rất lớn với doanh nghiệp; Vai trò và các chính sách của Chính quyền Thành phố trong việc tạo dựng một lực lượng doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh với năng suất cao có lẽ là chưa đúng và chưa trúng...
Diễn đàn đã khép lại với nhiều ý kiến đa chiều và góc nhìn về thực trạng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tại TP.HCM, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện những hạn chế tồn động, phát huy thế mạnh để tăng khả năng cạnh tranh và cùng TP.HCM nâng hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong những năm tiếp theo.