Toàn cảnh Hội nghị “Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi hướng trong chiến lược kinh doanh và quản lý tranh chấp”
Sự kiện có sự tham gia của gần 200 đại biểu là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cùng nhiều đại diện từ hiệp hội, hội doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Giám đốc ITPC Hồ Thị Quyên nhận định Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, điều này tạo cho doanh nghiệp nhiều cơ hội mới trong mở rộng thị trường và kết nối đối tác. Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm đặc sắc và nhiều tín hiệu tích cực. Riêng tại TPHCM, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 ước tính đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,58% so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng ước tính đạt 18,58 tỷ USD, tăng 2,72%.
Đứng trước xu hướng phát triển chung của toàn cầu, Phó Giám đốc ITPC Hồ Thị Quyên nhận định, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, quá trình này cũng cần gắn liền với sự tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, tuân thủ tiêu chuẩn được đặt ra từ các thị trường mà doanh nghiệp tiến hành xuất khẩu. Với tình hình đó, doanh nghiệp cần có bước chủ động, linh hoạt thay đổi để đáp ứng một cách phù hợp với nguồn lực nhằm tận dụng các cơ hội, xây dựng lợi thế từ các xu hướng. Hướng tới mục tiêu cung cấp cho doanh nghiệp kiến thức, thông tin giá trị để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Phó Giám đốc ITPC Hồ Thị Quyên kỳ vọng Hội nghị sẽ tập trung phân tích các vấn đề nổi cộm, từ đó, giải quyết các vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Về phía Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC nhận định, thời gian tới, bức tranh xuất nhập khẩu của nước ta sẽ phân hóa rất rõ rệt khi các doanh nghiệp thay đổi kịp thời, ứng phó hiệu quả chắn sẽ tận dụng được cơ hội, phát triển mạnh mẽ, trong khi đó, doanh nghiệp thích nghi chậm hơn sẽ có nguy cơ đối mặt nhiều thách thức mới khi nhiều quy định siết chặt được đặt ra tại các thị trường mục tiêu.
Ông Châu Việt Bắc chia sẻ, trong nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại VIAC và nhiều trường hợp trong số đó, doanh nghiệp Việt lại đang là bên bên chịu bất lợi, nhưng lại không thể bảo vệ được tốt quyền lợi của mình vì các sơ xuất ngay từ khâu đàm phán và giao kết hợp đồng. Ông Châu Việt Bắc nhấn mạnh, quản trị hợp đồng, quản trị rủi ro trong giao dịch ngoại thương là cực kỳ quan trọng.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên VIAC khuyến nghị, để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này, doanh nghiệp nên linh động trong việc lựa chọn và tiếp cận đối tác và thị trường mục tiêu, tích cực điều chỉnh phù hợp đối với các mặt hàng chủ lực. Ngoài ra, việc “xanh hóa” trong doanh nghiệp cũng nên được quan tâm đúng mực, trong đó, việc thực hiện ESG là nhân tố mang tính “sống còn” trong xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đối với định hướng về mặt chính sách, TS. Võ Trí Thành đề xuất, Việt Nam cần tháo gỡ được 2 điểm nghẽn cố hữu là hạ tầng và nhân lực, chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể gia tăng giá trị, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư FDI, tận dụng lợi thế và cơ hội để “tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại” trong một thế giới nhiều biến động.
Sau phần chia sẻ đa chiều của các chuyên gia, phiên thảo luận đi vào khai thác các thực tiễn, khó khăn đang tồn tại; từ đó đưa ra các khuyến nghị, hướng dẫn cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện giao dịch ngoại thương an toàn và hiệu quả.