Sáng ngày 30/9, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo “Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập toàn cầu” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam và các đối tác liên quan tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS-TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, định vị và nâng tầm thương hiệu Việt có ý nghĩa quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Các doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu quốc tế lớn. Thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế còn ít và chưa đủ mạnh, trong khi đó, sự nhận diện thương hiệu trong nước còn nhiều hạn chế.
Chủ trì hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, khoảng 5-7 năm trở lại đây, Việt Nam chưa phải là thương hiệu đình đám nhất ở Đông Nam Á, nhưng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Trong thương hiệu quốc gia, theo quyết định mới của Thủ tướng, ngoài tiêu chí chất lượng, đổi mới sáng tạo, năng lực tiên phong, hiện nay, còn có thêm điểm mới là thương hiệu địa phương, tức là các mặt hàng nổi tiếng ở các vùng miền. Thương hiệu tạo sự cảm nhận, khám phá, hành động; giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút nguồn lực.
Tại hội thảo, PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Trường Đại học Thương mại cho rằng, đích đến của thương hiệu quốc gia là xây dựng hình ảnh đất nước thông qua thương hiệu sản phẩm. Một số giải pháp định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong bối cảnh mới được đưa ra, trong đó, ông Thịnh nhấn mạnh việc phát triển thương hiệu các sản phẩm cộng đồng góp phần khẳng định vị thế thương hiệu Việt. Việt Nam cần khai thác thế mạnh sản phẩm gắn với cộng đồng, gắn với triệu người nông dân để thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn, thay vì chỉ duy nhất đầu tư cho doanh nghiệp tiến ra nước ngoài.
Cũng theo PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh, trong quá trình định vị thương hiệu sản phẩm cộng đồng, cần quan tâm giá trị cốt lõi thương hiệu và đặc tính nổi trội, phát triển tốt sản phẩm là chưa đủ mà còn cần chú trọng đến khai thác tri thức truyền thống, có hệ thống cung ứng hợp lý, linh hoạt và cách thức giao tiếp phù hợp với cộng đồng.
Cùng với đó, TS. Đào Cẩm Thủy, Chủ nhiệm bộ môn Marketing, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, sự phát triển cộng hưởng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu cá nhân lãnh đạo là vô cùng quan trọng để nâng tầm giá trị thương hiệu.