Tọa đàm “Trao đổi về chính sách xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”

Tọa đàm “Trao đổi về chính sách xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”

Chiều ngày 13/6 tại trụ sở Bộ Tài chính, Cục Tài chính DN tổ chức tọa đàm “Trao đổi về chính sách xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN”. Các đại biểu tham dự đều nhất trí cho rằng, các nội dung chính sách trong dự thảo Luật đã thể  hiện rõ tư duy thị trường, trong đó xác định rõ Nhà nước là một chủ đầu tư vốn trong DN giống như các nhà đầu tư khác.

Nguồn:Tạp chí Thuế

Tại tọa đàm, Cục trưởng Cục Tài chính DN Bùi Tuấn Minh giới thiệu về sự cần thiết ban hành Luật, các nội dung cơ bản và cơ sở pháp lý, chính trị, thực tiễn liên quan đến tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và 6 nhóm chính sách. Tại đây, các đại biểu cũng đã có những trao đổi thẳng thắn xung quanh các nội dung của chính sách, bao gồm đối tượng, phạm vi điều chỉnh và một số vấn đề trong đề xuất xây dựng dự thảo Luật bao gồm: quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN; đầu tư vốn nhà nước vào DN; hoạt động đầu tư của DN; sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại DN; cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn; quản trị DN.

Đặc biệt là việc xác định nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư vốn, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong DN, không thực hiện quản lý pháp nhân DN. Nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu đối với DN có vốn nhà nước đầu tư, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại DN thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn.

Quy định rõ Nhà nước, Chính phủ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại DN có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, DN có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại DN có vốn nhà nước đầu tư khác. Đảm bảo việc phân công rõ, phân cấp mạnh tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển bình đẳng với các DN khác thuộc mọi thành phần kinh tế trước pháp luật.

Cho ý kiến vào dự thảo, các đại biểu tham dự đều đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng, đảm bảo đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn của các nội dung đề xuất. Đây là căn cứ quan trọng để triển khai xây dựng dự thảo Luật cụ thể nhằm khắc phục những bất cập hiện nay, định hướng cho hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại DN trong thời gian tới.

Theo TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đây là cuộc cách mạng, thay đổi tư duy và đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN. Việc đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động của DN có vốn nhà nước đầu tư là chính đáng và cần tính đến yếu tố khách quan và xem xét đánh giá rủi ro bất khả kháng. Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội lưu ý, việc quản lý dòng vốn nhà nước đầu tư thay cho quản lý DN hiện nay phải thể hiện được đầy đủ nội dung giám sát, cũng như làm rõ trách nhiệm, đối tượng thực hiện giám sát.

Ở góc độ DN, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng, việc xác định tên luật, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng là chính xác và đã hướng tới tương lai để đầu tư vốn. Nội dung các chính sách đã thể hiện tư duy thị trường, xác định Nhà nước là một chủ đầu tư vốn trong DN giống như các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý xem xét nguyên tắc quản trị, công khai minh bạch nên theo chuẩn đối với DN niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Bổ sung thêm vấn đề này, TS Phạm Phan Dũng đề nghị về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu/ người đại diện chủ sở hữu vốn cần nghiên cứu quy định rõ nội dung đánh giá để có thể xử lý trong những trường hợp có quyết định chưa phù hợp, ảnh hưởng đến hiệu quả đồng vốn nhà nước đầu tư.

Lãnh đạo Cục Tài chính DN cho biết, thực hiện Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tọa đàm nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia và cơ quan liên quan về các nội dung của chính sách trong đó bao gồm tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và 6 nhóm chính sách quan trọng đã được Quốc hội thông qua theo báo cáo của Chính phủ tại Tờ trình số 189/TTr-CP ngày 26/4/2024 kèm theo Tờ trình Chính phủ số 79/TTr-BTC ngày 17/4/2024 của Bộ Tài chính.

Do vậy, các ý kiến tại tọa đàm đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng để Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội báo cáo cấp có thẩm quyền trình Quốc hội khóa XV xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025)./.

Tạp chí Thuế
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang