Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP. Nghị định 15/2018 NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm có 13 chương 44 điều có hiệu lực ngay từ ngày ký 2/2/2018. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định về thủ tục tự công bố sản phẩm, thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm biến đổi gen, Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; Ghi nhãn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm…
Nghị định 15/2018 NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực từ 2/2/2018
Phát biểu tại hội nghị "Phổ biến Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: “Nghị định 15 ra đời thể hiện sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Với sự ra đời của Nghị định 15, câu “chuyện giấy phép con” trong lĩnh vực y tế sẽ chấm dứt, sẽ không còn tình trạng 1 chiếc bánh cõng 13 giấy phép con như trước đó”.
Hơn thế nữa, "sự thay đổi này không đơn thuần giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trước chúng ta tiền hành kiểm tra theo phương thức tiền kiểm giờ chuyển hẳn sang hậu kiểm. Đây là sự thay đổi cơ bản, là thời cơ chín muồi trong lĩnh vực cải cách hành chính của Bộ Y tế", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn an toàn thực phẩm sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm 90% thời gian và công sức trong việc thực thi thủ tục hành chính nhưng sẽ nâng trách nhiệm của doanh nghiệp với sức khỏe người tiêu dùng lên 100%. Nghị định 15 thể hiện sự phân công, phân cấp mạnh mẽ trong trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Đồng thời, Nghị định cũng giảm tải áp lực quản lý cho các cơ quan cấp bộ, ngành, tránh chồng chéo trong quản lý, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện.
Điều khẳng định của Chủ tịch VCCI hoàn toàn chính xác khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP với nhiều điểm mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp so với các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trước đây. Nghị định mới quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm này được xây dựng theo hướng cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc điều chỉnh nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp song vẫn trên cơ sở lấy việc đảm bảo sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu.
Nghị định 15 cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận, chỉ trừ một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế.
Điểm mới tiếp theo của Nghị định 15 là thay đổi quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh để đảm bảo an toàn thực phẩm, tiệm cận với các phương thức quản lý chung trên toàn cầu. Đó là mở rộng diện các doanh nghiệp không cần phải có giấy xác nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cũng như mở rộng đối tượng, các cơ sở được miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Việc cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo Nghị định 15 sẽ tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đây là bước tiến lớn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nói riêng. Ông Tuấn cũng cho rằng sự kiện Bộ Y tế bãi bỏ Thông tư 38 cũng là một bài toán được đặt ra cho các bộ ngành khác trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Theo Congly