Lô kháng sinh nhập khẩu tại công ty sản xuất thuốc thú y sai phạm ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Anh
Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản-Nafiqad (Bộ NN&PTNT), dư lượng hoá chất, kháng sinh khi tồn lưu trong thủy sản nuôi, gần như không có cách nào để loại bỏ trong quá trình chế biến, bảo quản, sẽ gây hại tức khắc hoặc tích tụ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nafiqad cho hay, do nhiễm các loại hoá chất, kháng sinh, hoặc dư lượng vượt ngưỡng, nên nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền nước ngoài cảnh báo và bị trả về trong thời gian gần đây. Năm 2016 có tới 40 lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt bị cảnh báo. Dù có chiều hướng giảm so với năm 2015 (70 lô) nhưng tình hình chưa được cải thiện rõ rệt. Năm qua, thị trường cảnh báo nhiều nhất là Nhật Bản (24 lô), EU (11 lô), Úc (3 lô) và Hàn Quốc (2 lô)…
Phó Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT), ông Đàm Xuân Thành cho biết, từ năm 2016 đến nay, có 39 doanh nghiệp (DN) tham gia nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y. Cục đã cấp giấy phép nhập khẩu 57 loại nguyên liệu kháng sinh, phần lớn nhập từ Trung Quốc. Để tránh lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thuỷ sản, Cục đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Enrofloxacin (kháng sinh cấm trên thủy sản) 3 tháng. Cục Thú y cũng tạm dừng cấp phép nhập khẩu từ 3 tháng đến 12 tháng với 6 công ty nhập khẩu bán nguyên liệu kháng sinh không đúng đối tượng, sai mục đích.
Ông Thành cũng cho biết, trước vi phạm của các DN nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh thời gian qua, Cục đã “siết” vấn đề này. Theo đó, trong giấy phép nhập khẩu, Cục ghi rõ nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu chỉ được dùng cho sản xuất thuốc thú y. Yêu cầu đơn vị đăng ký nhập khẩu phải báo cáo việc sử dụng, kinh doanh, địa chỉ nơi mua nguyên liệu kháng sinh của lô nhập khẩu lần trước, khi nộp hồ sơ đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh lô hàng tiếp theo thì mới xem xét giải quyết.
Ngoài ra, trong giấy phép nhập khẩu ghi rõ đơn vị nhập chỉ được phép kinh doanh, sử dụng nguyên liệu trên để sản xuất các sản phẩm thuốc thú y đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành hoặc có tên trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.
“Các đơn vị này không được bán nguyên liệu thuốc thú y cho các cơ sở chưa được cấp phép kinh doanh nguyên liệu làm thuốc thú y, đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y để bán cho người dân sử dụng trực tiếp phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản hoặc bán trực tiếp cho các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để sử dụng”- ông Thành nói.
Ông Thành kiến nghị, cần tổ chức truy xuất nguồn gốc nguyên nhân gây tồn dư hoá chất, kháng sinh đối với các lô hàng bị các thị trường cảnh báo; cung cấp thông tin chính xác tên, địa chỉ các cơ sở cung cấp, bán kháng sinh nguyên liệu, thuốc thú y ngoài danh mục làm căn cứ kiểm tra và xử lý vi phạm.
Lãnh đạo Cục Thú y cũng đề nghị phía Bộ Y tế có kế hoạch giám sát nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu để sản xuất thuốc trị bệnh, nhất là các loại kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo loại nguyên liệu nhập về được sử dụng đúng mục đích, đối tượng. “Cũng giám sát việc thực hiện bán thuốc theo kê đơn của bác sĩ, tránh việc người chăn nuôi, nuôi trông thủy sản dễ dàng mua từ hiệu thuốc, rồi dùng để chữa bệnh cho vật nuôi, thủy sản gây mất an toàn thực phẩm”- ông Thành nói.
Theo Tiền phong