Theo ôngkhông chỉ nhà sản xuất, phân phối mà ngay cả cơ quan tư vấn, chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực phẩm an toàn cũng cần xây dựng thương hiệu.
Thưa PGS, hiện nay trong khi lượng thực phẩm an toàn được sản xuất chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng thì nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn lại không bán được. Là người đứng đầu đơn vị có nhiệm vụ tư vấn, giám sát, đánh giá chất lượng và công nhận sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế, theo ông vấn đề nằm ở đâu và cần khắc phục như thế nào?
Thực tế nhiều nông dân, doanh nghiệp sản xuất được thực phẩm an toàn nhưng người tiêu dùng không biết, không tin thực phẩm đó an toàn, nên sản phẩm khó bán hoặc phải bán rẻ. Để chiếm được niềm tin của khách hàng, sản phẩm phải được chứng nhận thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế như VietGAP hay GlobalGAP. Và để đảm bảo đầu ra, tăng giá trị hàng hoá thì phải xây dựng, phát triển được thương hiệu. Thương hiệu mạnh thì bán được giá cao, số lượng lớn, yếu thì rẻ chưa chắc đã bán được.
Phó Giáo sư - tiến sỹ Lê Tất Khương. Ảnh: Châu Long
Tôi nhớ thời còn du học ở nước ngoài, có lần giáo sư chỉ vào một chai rượu và cho biết nó có giá 1.000USD. Tuy nhiên, giáo sư bảo giá trị thực của rượu trong chai không đáng bao nhiêu mà đắt là ở cái vỏ - nơi thể hiện thương hiệu. Cũng rượu đó nếu chứa trong vỏ chai nước suối thì 10USD cũng chẳng ai mua. Hay như lạc rang húng lìu Bà Vân ở phố Bà Triệu, Hà Nội, có thể sản phẩm của nhà khác ngon không kém, nhưng nhiều người nhất định tin rằng phải lạc Bà Vân mới ngon.
Ông đánh giá như thế nào về việc xây dựng thương hiệu của các cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn ở Việt Nam hiện nay?
Hiện trình độ sản xuất hàng hoá của nông dân Việt Nam rất thấp. Họ chưa hiểu rằng không phải cứ có sản phẩm là bán được, mà sản phẩm phải có uy tín. Thực tế nếu nông dân tự giới thiệu rau, thịt, cá của mình tốt, an toàn thì chưa chắc nhiều người tin, dù nó an toàn thật. Vì vậy, cần có cơ quan, tổ chức đủ thẩm quyền và uy tín đứng ra chứng nhận cho họ là sản phẩm an toàn.
Chẳng hạn, với tiêu chuẩn VietGAP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép cho một số cơ quan, công ty thay mặt bộ công nhận đạt chuẩn VietGAP. Trên cơ sở được công nhận, các cơ sở sản xuất cần xây dựng thương hiệu ngày càng mạnh, nghĩa là niềm tin của khách hàng vào sản phẩm ngày càng lớn.
Không chỉ nhà sản xuất và phân phối, ngay cả cơ quan tư vấn, cấp chứng nhận thực phẩm an toàn cũng phải xây dựng thương hiệu. Bởi đây là một dịch vụ, nếu họ tuân thủ chặt các tiêu chuẩn thì uy tín tăng, giá trị của giấy chứng nhận mà họ cấp tăng, sẽ có nhiều cơ sở đến xin tư vấn và công nhận. Ngược lại, nếu làm không chặt, không chỉ họ mà cả bộ tiêu chuẩn cũng giảm giá trị, ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất thực phẩm an toàn.
Được biết IRRD đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu rau an toàn của mình, PGS có thể chia sẻ về lợi thế và thách thức của viện trong việc này?
Bên cạnh việc hướng dẫn, tư vấn, giám sát các cơ sở sản xuất rau đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, viện còn có hoạt động sản xuất, phân phối rau để giúp họ tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi xây dựng thương hiệu rau an toàn bằng việc tăng quảng bá, cải tiến mẫu mã, bên cạnh đảm bảo chất lượng.
Chúng tôi có lợi thế về uy tín của một tổ chức khoa học công nghệ công lập thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có chuyên gia, có phòng phân tích và quá trình làm đủ lâu để khẳng định rằng chúng tôi đã làm là đạt tiêu chuẩn. Khó khăn là viện không chỉ trực tiếp sản xuất mà còn liên kết sản xuất với doanh nghiệp, nông dân, giúp họ tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra còn có sự khó khăn mà những đơn vị vốn chỉ làm khoa học, kỹ thuật khi tham gia kinh doanh vẫn gặp phải. Chúng tôi sẽ từng bước phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn để khi thương hiệu của mình mạnh lên sẽ giúp các đơn vị sản xuất liên kết với mình tăng giá trị sản phẩm và số lượng tiêu thụ, góp phần kích thích phát triển sản xuất rau an toàn, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Khoa học phát triển