Sức hút của “đôi đũa lệch” Mexico - Mỹ
Mexico và Mỹ là “đôi đũa lệch” trên hầu như mọi phương diện. Với gần 3.200 ki lô mét đường biên phía Đông - Bắc, nền kinh tế nước láng giềng Mỹ giống như chiếc đầu tàu kéo theo toa tàu Mexico, đặc biệt là toa tàu nông nghiệp.
Xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc, với lợi thế thị trường gần thì chi phí vận chuyển và bảo quản sẽ giảm mạnh. Ảnh: THÀNH HOA
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), nếu như Mexico xuất khẩu được 158 tỉ đô la Mỹ hàng hóa ra thị trường thế giới trong năm 2001 thì riêng Mỹ đã chiếm 136 tỉ đô la Mỹ, đạt tỷ lệ 86,1%, còn ba con số này trong năm 2017 lần lượt là 409 tỉ đô la Mỹ, 327 tỉ đô la Mỹ và 79,9%.
Trong đó, hàng nông sản xuất khẩu ra thị trường thế giới nói chung của Mexico ở hai thời điểm 2001 và 2017 là 10,2 tỉ đô la Mỹ và 37,5 tỉ đô la Mỹ, tức là chiếm tỷ trọng 6,4% và 9,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn đối với riêng thị trường Mỹ, từ mức 8,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 80% vào năm 2001, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản năm 2017 đạt 29,4 tỉ đô la Mỹ và chiếm hơn 78%.
Nếu nhìn vào “rổ hàng nông sản xuất khẩu” của Mexico, có thể thấy rất nhiều nhóm hàng được xuất khẩu vào Mỹ, thậm chí có những mặt hàng hầu như chỉ xuất khẩu sang Mỹ.
Chẳng hạn, trong năm 2017, nhóm hàng rau quả có kim ngạch xuất khẩu hơn 15 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 40% “rổ hàng nông sản xuất khẩu”. Trong đó, riêng thị trường Mỹ đạt 13,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm 87,4% kim ngạch xuất khẩu ra thị trường thế giới nói chung và chiếm 29,4% kim ngạch nhập khẩu rau quả khổng lồ 44,8 tỉ đô la của Mỹ từ thị trường thế giới. Nhóm hàng động vật sống đạt kim ngạch xuất khẩu 689 triệu đô la Mỹ trong năm 2017 thì riêng thị trường Mỹ chiếm 686 triệu đô la Mỹ, tỷ lệ 99,6%.
Mexico đã và đang tận dụng triệt để lợi thế “kép” thị trường gần và khí hậu thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Mỹ.
Việt Nam có thể áp bài học Mexico cho thị trường Trung Quốc?
Trong điều kiện Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ trở thành cường quốc nhập khẩu nông sản số 1 thế giới, nếu làm được chỉ một phần những gì mà Mexico đã làm được trong gần hai thập kỷ qua, Việt Nam cũng sẽ tận dụng được lợi thế “kép” thị trường gần và khí hậu thuận lợi để phát triển mạnh nông nghiệp.
Sở dĩ như vậy là bởi hai lẽ:
Thứ nhất, xét trên tổng thể, Việt Nam và Trung Quốc còn là “đôi đũa lệch” hơn rất nhiều so với Mexico và Mỹ.
Về thương mại song phương, khoảng cách của Việt Nam và Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với của Mexico và Mỹ. Cùng thời điểm năm 2017, trong khi Mexico xuất khẩu 79,9% hàng hóa của mình vào thị trường Mỹ, còn nhập khẩu chiếm 46,4% thì tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc chỉ ở mức 16,6% và tỷ lệ nhập khẩu lại vượt trội với 27,6%. Chính vì vậy, trong khi Mexico xuất siêu 67,9% sang thị trường Mỹ thì Việt Nam nhập siêu từ thị trường Trung Quốc tới 64,2%. Đặc biệt, Mexico xuất khẩu hơn 78% hàng nông sản của mình sang thị trường Mỹ và chiếm 13% tổng nhập khẩu hàng nông sản của Mỹ thì Việt Nam chỉ xuất khẩu 25,5% hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc, chiếm tỷ lệ nhỏ 4,8% nhập khẩu hàng nông sản của nước này.
Thứ hai, trong điều kiện như vậy, khi Trung Quốc tăng tốc nhập khẩu hàng nông sản, cơ hội chắc chắn sẽ rộng mở đối với Việt Nam, nhưng cũng chỉ giới hạn ở một số nhóm hàng và mặt hàng.
Chẳng hạn, theo số liệu thống kê và dự báo của FAO - OECD, đối với nhóm hàng ngũ cốc, cho dù nhập khẩu của Trung Quốc năm 2017 là 19 triệu tấn, còn đến năm 2026 sẽ tăng lên 28,3 triệu tấn, thì nhiều khả năng chúng ta chỉ xuất khẩu được hơn 2 triệu tấn gạo, bởi tổng nhập khẩu mặt hàng này và cả lúa mì của Trung Quốc hầu như đã tới hạn trong khoảng 5 triệu tấn và 3,7 triệu tấn, cho nên Trung Quốc sẽ chỉ tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng bắp và các ngũ cốc khác nằm ngoài khả năng cung ứng của chúng ta.
Ở nhóm hàng đậu nành, hạt có dầu khác và bột đạm, nhập khẩu của Trung Quốc trong cùng kỳ sẽ tăng rất mạnh từ 106,7 triệu tấn lên 133 triệu tấn nhưng đây là những mặt hàng chúng ta đang phải nhập khẩu, cho nên đương nhiên sẽ phải đứng ngoài cuộc.
Do vậy, để tận dụng thị trường Trung Quốc trong những năm tới, vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải nghiên cứu triển vọng phát triển của thị trường này, đồng thời xác định tiềm năng của Việt Nam để từ đó định hướng và định hình phát triển sản xuất.
Tập trung vào nhóm hàng rau quả và thủy sản?
Theo “bài học” của Mexico, có lẽ Việt Nam cũng phải chọn rau quả là nhóm hàng “mũi nhọn”. Trong đó, có thể hy vọng mặt hàng chuối phát triển mạnh, thậm chí có thể trở thành mặt hàng chiến lược đối với thị trường Trung Quốc và Đông Bắc Á nói chung.
Trong 10 năm trở lại đây, nhập khẩu chuối của Trung Quốc đã tăng “sốc” 12,1%/năm, cao gấp 6,9 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường thế giới, đạt hơn một triệu tấn, vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia nhập khẩu thứ sáu thế giới.
Xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc, với lợi thế thị trường gần thì chi phí vận chuyển và bảo quản (vốn rất lớn) sẽ giảm mạnh. Chuối Made in Vietnam hoàn toàn có thể đánh bại chuối Philippines lâu nay vẫn chiếm trên dưới 70% thị phần nhập khẩu của Trung Quốc, cũng như chuối Ecuador chiếm trên dưới 20% trong những năm gần đây...
Bên cạnh đó, hơn hẳn Mexico trong xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tới sáu lần, Việt Nam cũng có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc. Trung Quốc hiện là cường quốc xuất khẩu thủy sản số 1 thế giới với 20,6 tỉ đô la Mỹ nhưng đồng thời là cường quốc nhập khẩu thủy sản số 2 thế giới với 11 tỉ đô la Mỹ.
Tóm lại, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc để vượt qua chính Mexico về quy mô xuất khẩu hàng nông sản. Và để đạt được điều đó, có lẽ chúng ta cần một chiến lược được xây dựng bài bản, trong đó Trung Quốc là thị trường trọng điểm.
Theo KTSG