Từ tháng 10/2017 đến nay, lực lượng QLTT đã thực hiện kiểm tra 2.359 vụ, xử lý 643 vụ, thu giữ 1.781 bình gas và 15.546 bình gas mini, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 10 cửa hàng, chuyển cơ quan công an xử lý hình sự 1 vụ.
Vận chuyển gas cho người tiêu dùng trên phố Lý Thường Kiệt. Ảnh: Thanh Hải
Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện việc chiếm dụng bình gas của những DN uy tín. Trước đó, Cục Cảnh sát phòng chống buôn lậu (C74 - Bộ Công an) và Chi cục QLTT tỉnh Hòa Bình kiểm tra cơ sở sang chiết gas của Công ty TNHH Khí dầu mỏ hóa lỏng Phúc Khang (TP Hòa Bình) đã phát hiện DN này đang sử dụng hàng trăm vỏ bình gas mang nhãn hiệu Petrolimex, Total, Đại Hải, Shellan Gas, Siam Gas, Vinashin Ptro... Tại thời điểm kiểm tra, DN này không có giấy tờ chứng minh việc được phép sử dụng các vỏ bình gas của các DN khác.
Doanh nghiệp bị chiếm dụng bình gas
Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 (Chi cục QLTT Hà Nội) kiểm tra xe tải BKS 89C–122.19 đã phát hiện 639 vỏ bình gas mang nhãn hiệu Petro Hồng Hà bị cắt, mài bỏ nhãn hiệu và tháo bỏ van bình.
Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) Trịnh Văn Ngọc cho biết: Thời gian qua, vi phạm trong kinh doanh gas diễn ra rất “nóng”, trong đó có việc một số DN kinh doanh gas chiếm dụng trái phép chai vỏ bình của các DN có uy tín. Nguy hiểm hơn, nhiều bình gas còn bị “cắt tai mài vỏ” không qua kiểm định an toàn cháy nổ nhưng vẫn được tiêu thụ ngoài thị trường.
Đặc biệt, các đối tượng sang chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi như tận dụng bãi đất trống cách xa khu dân cư để tiến hành sang chiết gas trái phép từ xe chứa gas vào bình gas loại 12kg hoặc bình gas mini.
Ông Đoàn Trọng Thà - Hiệp hội Gas Việt Nam nêu rõ: "Trung bình một năm, các DN kinh doanh gas bị chiếm dụng hơn 1 triệu chiếc bình và giá thành 1 vỏ bình gas từ 450.000 - 500.000 đồng, trong khi DN chiếm dụng chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn để "cắt tai, mài vỏ" biến thành bình của mình. Điều đó cho thấy DN kinh doanh gas chân chính bị chiếm dụng một khoản tiền rất lớn”.
Tăng xử phạt để đảm bảo tính răn đe
Thực tế cho thấy, mặc dù việc chiết nạp gas trái phép diễn ra khá phổ biến nhưng việc xử lý vi phạm chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, chưa mang tính răn đe. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 13 của Bộ Công Thương về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh gas vừa tổ chức, Thiếu tá Nguyễn Văn Thực - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) nêu rõ: Việc xử lý vi phạm trong kinh doanh gas gặp nhiều khó khăn bởi đây là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù gần giống với hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhưng chưa được Nhà nước quản lý theo cơ chế của kinh doanh xăng dầu.
Nhiều Nghị định, chế tài xử phạt đã cũ, không theo kịp diễn biến của thị trường nên chưa đủ sức răn đe. Do đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này, tạo điều kiện lành mạnh hóa thị trường.
Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc đề xuất: Các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý dứt điểm đối với các cơ sở kinh doanh gas quy mô nhỏ, lẻ không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng chống cháy nổ, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Đồng thời, gắn trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với chính quyền cấp xã, phường với công tác quản lý kinh doanh gas trên địa bàn.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sớm hoàn thiện Nghị định về kinh doanh khí thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.
Để ngăn chặn tình trạng chiếm dụng bình gas, sang chiết gas trái phép, cơ quan xây dựng chính sách pháp luật phải tăng cường sửa đổi các quy định pháp luật theo kịp diễn biến thị trường. Bộ Công Thương nên tổ chức cho các thương nhân kinh doanh gas ký cam kết không kinh doanh, không chiếm dụng bình gas, sang chiết gas trái phép, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Theo KTĐT