Cà phê Điện Biên: Khi cái khó bó cái khôn
Cà phê Điện Biên: Khi cái khó bó cái khôn
Chất lượng cao nhưng khi chưa có thương hiệu thì "đặc sản" vẫn chỉ loanh quanh sân nhà.
Chất lượng cao nhưng khi chưa có thương hiệu thì "đặc sản" vẫn chỉ loanh quanh sân nhà.
Đến Điện Biên, sau khi thấm mệt vì leo trèo thăm thú đồi A1, nơi diễn ra trận đánh quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, du khách hẳn sẽ thấy thư thái khi dừng chân tại quán cà phê dưới chân ngọn đồi lịch sử này. Thư thái không chỉ bởi không gian thoáng đạt mà còn bởi "đặc sản" của quán: cà phê Mường Ảng.
Mường Ảng là huyện nằm cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 40 km về phía tây, nơi có hơn 3.000 ha cà phê abarica (cà phê chè) - loại có giá trị kinh tế nhất trong các loại cà phê.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, ông Nguyễn Hữu Hiệp, thì giống cà phê này không phải vùng nào cũng trồng được, vì chỉ thích hợp với độ cao trên 700 mét so với mực nước biển. Ở Tây Bắc thì chỉ có điện Biên, Sơn La, còn trên cả nước thì khu vực Lâm Đồng và Khe Sanh (Quảng Trị) có một ít, còn Tây Nguyên không trồng được, ông Hiệp cho biết.
Hậu vị ngọt rất sâu của cà phê Mường Ảng không nơi nào có được là do cây cà phê hấp thụ sương muối từ 21h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, doanh nhân Trương Văn An bổ sung. Ông An sinh ra và lớn lên ngay chính mảnh đất Mường Ảng, chọn cà phê để lập nghiệp và đang là doanh nghiệp được cho là làm ăn có bài bản tại đây.
Theo ông An, cà phê Mường Ảng được tiêu thụ tốt nhất ở hai thị trường Hà Nội và Hội An. Nhưng, mỗi năm doanh nghiệp Hải An của ông cũng chỉ tiêu thụ được 13 tấn cà phê thành phẩm, trong khi sản lượng của cả huyện là nhiều chục ngàn tấn cà phê tươi. Cà phê ở đây chủ yếu bán về xuôi, trộn vào để xuất khẩu, vì hàm lượng cà phê chè tối thiểu phải 30% mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, Phó chủ tịch Hiệp cho biết về "đường đi" của đặc sản địa phương.
Sở dĩ các doanh nghiệp địa phương dù có muốn "làm ăn lớn" cũng chẳng được, theo ông Hiệp và ông An là do mắc ở thương hiêụ và chỉ dẫn địa lý, vấn đề ngoài tầm tay của huyện, tỉnh.
Theo ông Hiệp thì năm 2015 đề án xây dựng nhãn hiệu tập thể cà phê Mường Ảng đã được tỉnh phê duyệt, tỉnh cũng đã bố trí vốn đối ứng từ ngân sách theo quy định, nhưng cái khó là Bộ Khoa học Công nghệ cho biết chưa có kinh phí để triển khai.
Phần việc của huyện, của tỉnh thì đã xong, tổng kinh phí là hơn 800 triệu đồng (phần vốn Trung ương hơn 600 triệu) cũng không phải lớn lắm nhưng đã qua hai năm Bộ vẫn trả lời là chưa có nguồn để triển khai, ông Hiệp sốt ruột.
Huyện cũng sẵn sàng bố trí ngân sách để làm chỉ dẫn địa lý nhưng chưa có nhãn hiệu tập thể thì chưa triển khai được, nên việc quảng bá tiếp thị gặp rất nhiều khó khăn, ông Hiệp nói.
Dù bấp bênh về giá, nhưng không thể phủ nhận là cây cà phê đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Mường Ảng. Theo tính toán của lãnh đạo huyện thì chỉ tính riêng tiền công thu hái mỗi vụ đã là 70 tỷ đồng. Cộng thêm khoảng 70 tỷ đồng từ công chăm sóc nữa là mỗi năm có khoảng 140 tỷ tiền thật chảy vào túi dân địa phương và cả dân nơi khác đến làm thuê.
Những vụ được giá thì không hiếm nhà thu tiền trăm triệu, tiền tỷ từ cà phê. Nhiều gia đình người dân tộc thiểu số sống sung túc, nuôi con ăn học tử tế cũng nhờ cây cà phê. Nhưng, nếu không có thương hiệu thì loài cây quý này sẽ vẫn chỉ quẩn quanh vài thị trường trong nước, với mức giá bấp bênh mà thôi. Đó là điều canh cánh của cả lãnh đạo, doanh nhân và người trồng cà phê Mường Ảng.
Theo VnEconomy
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI