Cách mạng công nghiệp 4.0: Khi các CEO nhận định

Cách mạng công nghiệp 4.0: Khi các CEO nhận định

Trao đổi tại diễn đàn CEO “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 – Được & Mất” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 7/4, các chuyên gia đều cho rằng cuộc các mạng công nghiệp 4.0 đang hiện hữu, tác động mạnh mẽ đến mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế, xã hội.


Khi được hỏi “Việt Nam có bắt kịp cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không?”, kết quả kèm theo tràng pháo tay buồn: 67% số người khảo sát cho rằng Việt Nam không bắt kịp được cách mạng công nghiệp, và chỉ có 33% cho rằng có thể.

Các diễn giả tại hội thảo

TS. Lê Đăng Doanh đánh giá, đây là cuộc cách mạng công nghiệp chắp cánh cho 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, giúp năng suất tăng lên đáng kể nhờ khoa học kỹ thuật nhưng chu kỳ sản phẩm lại ngắn đi nhiều so với hiện nay.

Ông cho rằng các đối tượng chịu ảnh hưởng rất rộng, đó là bác sỹ, luật sư, kiểm toán viên, kiến trúc sư...

“Như tại Mỹ, một báo cáo mới đây cho thấy việc ứng dụng công nghệ đã giúp thời gian thiết kế xây dựng giảm 40%, thời gian xây dựng cũng giảm từ 20 – 40%, đặt ra những thách thức cho nhân lực ngành này. Hay công nghệ in 3D sẽ thay đổi công nghệ dệt may, da giày. Ô tô tự lái đã bắt đầu phát triển, đe dọa taxi truyền thống…”, ông Doanh nêu ví dụ.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Ví dụ với riêng ngành dệt may, đa số lao động ngành dệt may, da giày Việt Nam trong tương lai sẽ chịu sự cạnh tranh quyết liệt, thậm chí nhiều nhận lực “thất nghiệp” do khả năng cạnh tranh của máy móc, các nhà máy thông minh.

Trao đổi tại diễn đàn, các chuyên gia tại diễn đàn cũng cho rằng để Việt Nam có thể bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yếu tố quan trọng đó là còn phụ thuộc vào chính sách.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam thẳng thắn cho rằng Việt Nam còn nhiều hạn chế, khoảng cách để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 so với thế giới, nhất là trong sáng tạo và sản xuất. Muốn bắt kịp phải có sự đột biến về chính sách.

Ở vị trí của một doanh nhân, ông Đặng Việt Dũng, CEO Uber Việt Nam cho rằng ngoài việc chú trọng giáo dục, đào tạo, an ninh mạng thì chính sách của Chính phủ phải ổn đinh, cởi trói cho doanh nghiệp bắt kịp xu hướng mới.

Trái với nhiều nhận định cho rằng Việt Nam sẽ khó có cơ hội nắm bắt cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng “cơ hội cho Việt Nam đang rất nhiều”. Việt Nam vẫn có thể bắt kịp và đi trước trong cuộc cách mạng này khi có những sáng tạo dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình.

Ông Hùng dẫn ví dụ việc rút ngắn thời gian xây dựng công nghệ kết nối mạng viễn thông. Nếu trước đây Việt Nam mất 20 năm để xây dựng mạng 2G; 10 năm để có được mạng 3G, nhưng khi tới công nghệ 4G lại chỉ mất 6 tháng để phủ sóng tận vùng sâu, xa với công nghệ mới nhất, dung lượng lớn...

Vị lãnh đạo Viettel cũng cho rằng, nếu nhìn đây là cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, của những người có nhiều tiền, đại gia thì sẽ thất bại. Nhưng nếu nghĩ đây là cuộc cách mạng là của toàn dân, của mọi người thì lại là lợi thế của Việt Nam.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, muốn theo kịp cuộc cách mạng 4.0, ngay bây giờ, Việt Nam phải bến tất cả những gì đang làm thành số hóa. Điều quan trọng thứ 2 là truyền thông, thứ 3 là sáng tạo và thứ 4 là hơp tác, kết nối.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nhấn mạnh, cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, không phải của các đại gia, mà là cuộc cách mạng công nghệ của mọi người, trong đó có những nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, để thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.

BCSI

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang