Mặc dù các hệ thống bán lẻ nội hiện đang chiếm ưu thế trên thị trường, song cũng cần phải tính đến khả năng trong tương lai sẽ bị lấn át hoặc chi phối, thậm chí bị thâu tóm bởi các “ông lớn” bán lẻ nước ngoài.
Những năm qua, các DN bán lẻ nước ngoài từng bước tăng đầu tư, mở rộng thị phần tại thị trường Việt Nam đặt ra vấn đề cạnh tranh khốc liệt cho các DN trong nước. Mặc dù các hệ thống bán lẻ nội hiện đang chiếm ưu thế trên thị trường, song cũng cần phải tính đến khả năng trong tương lai sẽ bị lấn át hoặc chi phối, thậm chí bị thâu tóm bởi các “ông lớn” bán lẻ nước ngoài.
3 trụ cột cho thị trường bán lẻ
Đánh giá tổng quan về thực trạng phát triển thị trường bán lẻ tại Việt Nam thời gian qua, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, có 3 điểm mấu chốt được coi là 3 trụ cột cho quá trình phát triển thị trường bán lẻ trong nước. Đó là chính sách hướng tới phục vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo tính cạnh tranh công bằng giữa các DN tham gia thị trường và cơ chế hỗ trợ các DN bán lẻ trong nước.
Ở trụ cột thứ nhất, từ khi nền kinh tế Việt Nam đổi mới theo cơ chế thị trường, vai trò cũng như quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo, nhận thức của người tiêu dùng từng bước đã được nâng lên. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và ngày càng có thêm nhiều nhà phân phối, thị trường bán lẻ trở nên phong phú đa dạng đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận các quy mô và hình thái mua sắm lớn, là điều kiện để các hệ thống tăng doanh thu.
Từ chỗ phát triển đa dạng các nhà phân phối đã tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ, không chỉ riêng giữa các DN trong nước với nhau mà còn có sự cạnh tranh đến từ các DN nước ngoài. Bởi theo các cam kết của Việt Nam khi trở thành thành viên của WTO từ năm 2007, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ phải mở cửa với các quốc gia thành viên trong tổ chức, nên quá trình cạnh tranh sẽ là tất yếu.
“Tuy nhiên, quá trình cạnh tranh giữa các DN bán lẻ trong nước với các DN bán lẻ nước ngoài đã trải qua một thời kỳ quá độ nhiều năm, với độ mở từng bước. Quá trình này có ý nhằm tạo điều kiện để đưa ngành bán lẻ trong nước từng bước trưởng thành và lớn mạnh, đảm bảo đủ khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài. Qua quá trình này, các DN bán lẻ trong nước cũng đã có điều kiện học hỏi được nhiều từ cách tổ chức, quy mô phân phối, hình thái kinh doanh của các nhà phân phối nước ngoài để lớn mạnh và chiếm thị phần rất lớn như hiện nay”, TS. Võ Trí Thành nhìn nhận.
Trước những lo ngại về khả năng lấn át của các DN bán lẻ nước ngoài, theo TS. Võ Trí Thành vấn đề ít có khả năng xảy ra. Bởi trong một chừng mực nhất định, Nhà nước sẽ có một số công cụ hỗ trợ các DN bán lẻ trong nước, nhưng vẫn phù hợp với các cam kết trong thương mại quốc tế. Sự hỗ trợ này có thể nhìn thấy từ việc đưa ra các điều kiện cho DN nước ngoài tham gia thị trường từng bước, từng giai đoạn.
DN bán lẻ trong nước cũng cần phải nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh để tăng tính cạnh tranh.
Cùng với đó, sự hỗ trợ DN trong nước còn liên quan đến các chính sách tín dụng hay các chính sách về quy hoạch đất đai, đào tạo nguồn nhân lực… để đảm bảo có sự cạnh tranh công bằng của các DN trên thị trường, với mục tiêu cao cả cuối cùng là không tạo ra sự độc quyền mà tạo thuận lợi tốt nhất cho người tiêu dùng.
“Để tăng tính cạnh tranh với các DN bán lẻ nước ngoài, DN bán lẻ trong nước cũng cần phải nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh để đưa được hàng hóa vào các hệ thống phân phối cả trong và ngoài nước, từ đó tiếp cận người tiêu dùng và nhiều thị trường rộng lớn hơn. Trong một số trường hợp, việc các DN bán lẻ nước ngoài thâm nhập thị trường trong nước còn có cơ hội mở ra cho hàng Việt Nam tiếp cận hệ thống phân phối của DN ngoại tại thị trường nước ngoài”, ông Thành đánh giá.
Chữa “bệnh mãn tính”
Cùng bàn về vấn đề cạnh tranh trên thị trường bán lẻ khi trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú không hài lòng với việc không chỉ một số DN bán lẻ nước ngoài, ngay cả một số DN bán lẻ trong nước cũng có những hiện tượng chèn ép nhà cung ứng hàng hoá vào siêu thị nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm của các hợp tác xã và nông dân làm ra. “Đây là hiện tượng mang dáng dấp độc quyền và thống lĩnh thị trường đã trở thành “bệnh mãn tính”, các chuyên gia dư luận có nhiều ý kiến trong hàng chục năm nay những chưa có chuyển biến rõ rệt”, ông Phú nói.
Do đó theo ông Phú, muốn phát triển hệ thống phân phối Việt Nam đủ mạnh trên sân nhà, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp lý để hệ thống phân phối phát triển góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời có chính sách phát triển hạ tầng thương mại, giao thông cũng giảm bớt các chi phí vận chuyển, logictics, chi phí sản xuất, lưu thông.
Đặc biệt, Nhà nước cần tạo ra môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng trên thị trường bán lẻ. Kiểm soát hàng lậu, hàng giả và trốn thuế. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, liên doanh liên kết, đầu tư khoa học công nghệ để nâng cao năg suất lao động trong thương mại nội địa.
“Phía các DN bán lẻ cũng cần tự giác đổi mới sáng tạo để vươn lên làm chủ sân nhà, xây dựng thương hiệu bền vững, giữ nghiêm kỉ luật sản xuất, kỉ luật thị trường. Các Hiệp hội có liển quan đến sản xuất và bán lẻ cần nêu cao vai trò trách nhiệm của mình để hỗ trợ DN phát triển. Người tiêu dùng và xã hội ủng hộ các DN làm ăn tử tế, phê phán những hành động vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh cũng như chính sách thu hút đầu tư”, ông Phú nêu giải pháp./.
Trong những năm vừa qua, lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam có sự tăng trưởng về quy mô và phục hồi tốt sau đại dịch Covid-19. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19./.