Đầu tư kênh bán hàng online, trong đó hình thức livestream bán hàng đang được xem là hướng tiếp cận khách hàng hiệu quả và nhanh với nhà sản xuất hiện nay. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng với nhà sản xuất vẫn là tạo ra sản phẩm chất lượng và xây dựng thương hiệu uy tín trong mắt người tiêu dùng và nhà mua hàng.
Nhận thấy kênh bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng như bán online và gần đây là livestream (phát trực tiếp) ngày càng thu hút khách hàng quan tâm, nhà sáng lập cà phê nông sản Meet More đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh bán hàng này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Meet More Coffee, hiện kênh bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng như bán online và livestream đã mang về doanh số khá lớn cho công ty.
Hiện Meet More đang đầu tư vào việc xây dựng nội dung livestream chất lượng và sáng tạo, kết hợp cùng với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để cải thiện trải nghiệm mua sắm đa kênh của khách hàng. Ngoài ra, công ty cũng sẽ hợp tác với các influencers (người ảnh hưởng) và đối tác chiến lược để mở rộng phạm vi tương tác và tăng cường sự tin cậy đối với thương hiệu.
“Trong một thị trường ngày càng cạnh tranh, việc xây dựng một cộng đồng trực tuyến sôi động và thú vị trên các nền tảng mạng xã hội sẽ giúp Meet More thu hút và giữ chân khách hàng của mình”, ông Luận chia sẻ.
Còn ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết, năm ngoái, doanh nghiệp mở kênh bán hàng trên TikTok và bước đầu có hiệu quả. Mỗi lần livestream kéo dài 2 giờ, doanh số bán hàng bằng tổng 10 cửa hàng vật lý bán cả ngày. Đáng chú ý, bán hàng qua livestream là cơ hội rất tốt để VitaJean tiếp cận và tương tác với khách hàng.
Còn lãnh đạo Tập đoàn Kido xem kênh xúc tiến thương mại Entertainment to E-Commerce – E2E trên nền tảng TikTok tiếp tục là công cụ triển khai các chiến lược marketing. Điều này giúp doanh nghiệp nắm bắt hành vi của người tiêu dùng, đặc biệt phát triển doanh số qua hình thức livestream.
CEO Kido Trần Lệ Nguyên chia sẻ buộc phải bán hàng trên thương mại điện tử (TMĐT), bán hàng qua livestream và có những thành công vượt sức kỳ vọng khi có những clip lên đến hàng chục triệu view.
E2E cũng là dự án giúp Kido lan tỏa trách nhiệm với cộng đồng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể Kido phối hợp với TikTok Shop xây dựng nền tảng kinh doanh, để các doanh nghiệp, tiểu thương, hiệp hội và doanh nghiệp thành viên có thể tham gia kênh bán hàng trên TMĐT.
“Trước đây họ chỉ bán trên kênh truyền thống nhưng ngày nay phải bán hàng qua công nghệ, bắt đầu livestream. Giữa bán trực tiếp và online thì tiêu thụ online tăng đáng kể, đặc biệt rất có lợi cho người tiêu dùng. Khi giảm bớt những chi phí trung gian cũng như logistics, marketing, sale… đặc biệt TikTok thường tung ra rất nhiều voucher, tất cả đều có lợi cho người tiêu dùng”, ông Nguyên nói.
Hàng loạt doanh nghiệp khác thay vì chỉ dựa vào kênh phân phối siêu thị hay các đại lý bán lẻ, cửa hàng, quầy chợ, giờ đây họ tăng cường bán hàng trực tiếp đến tay khách hàng qua kênh TMĐT, nhất là livestream.
Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng mô hình bán trực tiếp tới khách hàng của các nhà sản xuất lại có tỷ lệ tăng trưởng vượt bậc trong thị trường TMĐT. Những doanh nghiệp đã triển khai mô hình này nhận về nhiều kết quả ngoài mong đợi khi vừa tiết kiệm được chi phí vận hành, vừa tăng mạnh doanh thu, đồng thời tăng độ nhận diện thương hiệu trong thời gian ngắn.
Đề cao vai trò của mua sắm trực tuyến, bộ phận nghiên cứu bán lẻ của NielsenIQ nhận định, livestream đang là một xu hướng “bùng nổ”, giúp cho các nhà bán hàng nâng cao giá trị. Sức hút của livestream bán hàng chính là người tiêu dùng dễ dàng tương tác với người bán về thông tin chất lượng sản phẩm.
Về phía người tiêu dùng, những yếu tố như giá cả tốt hơn, các trang web cung cấp nhiều thông tin hơn hay liên hệ trực tiếp được với nhãn hàng để giải quyết các vấn đề nếu có là lý do khiến họ thường xuyên mua hàng trực tiếp từ các thương hiệu.
Cần làm tốt thương hiệu trước khi dọn hàng lên online
Sự thay đổi nhanh về hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng thúc đẩy các nhà sản xuất từ giày dép, quần áo, thiết bị điện tử, sản phẩm gia dụng… bắt nhịp với kênh bán hàng trực tiếp. Tuy nhiên dù là cách thức kinh doanh nào, để phát triển bền vững thì thương hiệu uy tín và chất lượng hàng hóa vẫn là yếu tố quan trọng, được khách hàng quan tâm khi đưa ra quyết định mua hàng.
Đơn cử như thương hiệu Meet More, chưa đầy 4 năm gia nhập thị trường, giờ đây đã hiện diện hơn 10 thị trường quốc tế và có mặt ở hầu hết các chuỗi siêu thị lớn trong nước. Doanh nghiệp thuần Việt này còn đang thu hút các quỹ đầu tư ngoại quan tâm tham gia rót vốn đầu tư.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, để tiếp cận thị trường, ông Luận thường xuyên đi hội chợ quốc tế và mời khách tham quan dùng thử sản phẩm. Từ đó, Meet More tiếp cận được các nhà phân phối, kênh siêu thị các nước. Nhờ đó, sản phẩm Meet More cũng được người tiêu dùng trong nước đón nhận khi trở về. “Tiêu thụ trong nước hiện chiếm khoảng 70% tổng lượng bán hàng công ty”, ông Luận nói.
Còn mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), thương hiệu 50 năm để có chỗ đứng trên thương trường, theo Giám đốc Marketting SCC Vương Ngọc Dũng, SCC vẫn giữ được bản sắc riêng và tập trung chất lượng. Nước hoa Miss Sài Gòn rất Việt Nam, từ bao bì áo dài nón lá, hay nhãn hiệu dầu gội Fresh hơn 30 năm…, SCC liên tục đổi mới để phát triển đến nay.
Chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thanh Điền, cũng cho rằng trong xu thế người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm trực tiếp với nhà sản xuất thì thương hiệu của doanh nghiệp và nhãn hàng sản phẩm được xây dựng tốt sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận khách hàng.
Ngay cả doanh nghiệp không sản xuất sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, chỉ cung ứng sản phẩm hỗ trợ, cũng cần có thương hiệu tốt, bền vững. Bởi trong bối cảnh các nhà sản xuất thu hẹp khâu trung gian để tối đa chi phí, hay dịch chuyển chuỗi cung ứng thì doanh nghiệp có thương hiệu tốt, cơ hội kinh doanh sẽ nhiều hơn.
Đơn cử như tại Công ty cơ khí Lập Phúc mấy năm nay là nhà cung ứng khuôn mẫu cấp 2 cho các nhà máy ô tô ở Mỹ như Tesla, GM… Thành quả này, theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Trí, do các hãng xe dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang.
Trong khi đó, Lập Phúc với hơn 30 năm cung cấp khuôn mẫu cho những công ty FDI…, tạo uy tín nên đón được cơ hội dịch chuyển này.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, thương hiệu chính là cái “giá” mà đối tác, khách hàng, người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm. Nhiều sản phẩm hàng Việt Nam đã khẳng định vị thế và tạo chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước và thị trường các nước nhờ xây dựng thành công thương hiệu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hình ảnh về thương hiệu hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam tại nhiều thị trường còn khiêm tốn.
Đơn cử ngành công nghiệp chế biến – chế tạo đến 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty FDI có thương hiệu toàn cầu riêng. Hay nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực nông sản, khoảng 80% sản phẩm chưa có thương hiệu…
Trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình. Điều này do thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu và yếu, chưa mạnh dạn đầu tư. Đây là một thiệt thòi lớn với doanh nghiệp Việt trước xu hướng người tiêu dùng tăng mua trực tiếp từ nhà sản xuất.