Chia sẻ tại “Diễn đàn Kinh tế ASEAN, Doanh nghiệp tiêu biểu ASEAN” diễn ra tại Hà Nội ngày 25/6/2020, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam, đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, 6 tháng đầu năm 2020 đã trôi qua, dịch bệnh Covid 19 đã gây tác hại vô cùng to lớn trên phạm vi toàn cầu. Sau những nỗ lực khống chế dịch bệnh để bảo vệ sinh mạng cho người dân, hiện nay các Chính phủ bằng nhiều biện pháp lại nỗ lực để cứu doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của việc dãn cách xã hội do dịch bệnh.
Chưa bao giờ nền kinh tế toàn cầu lại rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, sâu sắc như hiện nay. Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam cũng như các nước ASEAN đang trong giai đoạn khó khăn và đang phải nỗ lực tìm mọi cách để vượt qua.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, với vai trò là người đại diện đầy đủ nhất cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có nhiều hành động kịp thời để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể, ngay sau khi có các ảnh hưởng từ Covid-19 khiến cho các chuỗi liên kết bị đứt gãy do dãn cách xã hội cả trong nước và quốc tế, đặc biệt là giai đoạn đầu, khi dịch bệnh ở Vũ Hán bùng phát, giao thương Việt Nam Trung Quốc bị ảnh hưởng trầm trọng, do tình hình dịch diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đã tiên lượng tình hình khó khăn. Trên cơ sở đi sâu, đi sát, nắm vững tình hình doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã dự đoán các kịch bản xấu có thể xảy ra với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiệp hội đã có những đề xuất rất cụ thể với các cơ quan quản lý nhằm giảm khó khăn cho doanh nghiệp như: Yêu cầu thông tin đầy đủ về tình hình dịch bệnh, đề xuất giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, miễn và giảm một số loại thuế …
Tại Diễn đàn về Kinh tế ASEAN có một số ý kiến cho rằng: Du lịch và nông nghiệp công nghệ cao cần sớm được phục hồi.
Hiệp hội cũng đã đề nghị miễn các hoạt động kiểm tra thường kỳ, các biện pháp phòng chống dịch có tính chất mệnh lệnh, cấm đoán cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ban hành, tránh tình trạng đông cứng toàn bộ hoạt động kinh tế, khuyến khích và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế chia sẻ, đẩy nhanh áp dụng các ứng dụng số để giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh với tình hình mới.
Sau giai đoạn căng thẳng do dịch diễn biến phức tạp, nhưng với kết quả khống chế dịch thành công của Chính phủ, Hiệp hội tiếp tục các hoạt động nhằm cùng các bên liên quan hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiệp như hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ tạo cơ hội nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hiệp hội cũng đón đầu các cơ hội do Hiệp định EVFTA mang lại, tổ chức cho doanh nghiệp nhận thức và đánh giá đúng vị trí của mình, cơ hội và tiềm năng thâm nhập thị trường EU. Sắp tới Hiệp hội còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng, giải quyết các khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam.
Việt Nam hiện đã có nhiều tập đoàn lớn mở rộng việc kinh doanh trên toàn cầu cũng như khu vực ASEAN như Vietinbank, Vietcombank, PetroVietnam, Viettel…Các kinh nghiệm hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam cũng có thể là những kinh nghiệm có thể áp dụng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các quốc gia ASEAN khác mà các tập đoàn này đang hướng tới.
Trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế ASEAN, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá rằng: “Các quốc gia ASEAN có nhiều lợi thế chung, chúng ta đã và đang là một cộng đồng có uy tín trên phạm vi quốc tế; Nền kinh tế của các quốc gia ASEAN tương đối phát triển, các Chính phủ về cơ bản khống chế tốt tình hình dịch bệnh, chăm sóc tốt sức khoẻ cho người dân; Chúng ta cần trao đổi sâu sắc hơn và học hỏi lẫn nhau những bài học kinh nghiệm về hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng ta cần kiến nghị lên các Chính phủ các hỗ trợ cần thiết, có tính chất đồng bộ trong nội khối để đầu tiên là thúc đẩy sự hoạt động bình thường trong nội khối, và từ đó tiếp nối, duy trì các thị trường quốc tế khác”.
Theo đó, bà Bích Hường cũng đặc biệt nhấn mạnh tới hai lĩnh vực thế mạnh của các nước ASEAN, đó là sản phẩm nông sản miền nhiệt đới và du lịch.
Về sản phẩm nông sản nhiệt đới, bên cạnh các thị trường truyền thống của mỗi nước, bản thân thị trường các nước ASEAN với nhau cũng còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nông nghiệp công nghệ cao đã được thực hành ở hầu hết các quốc gia ASEAN, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của miền nhiệt đới sẽ được cùng thúc đẩy tìm đến các thị trường mới.
Riêng về thị trường du lịch, đây là ngành kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Hình ảnh các dòng khách du lịch cuồn cuộn đổ về các thiên đường du lịch Đông Nam Á bỗng chốc trở thành dĩ vãng. Các máy bay nằm im trên sân đỗ, các bãi biển vắng teo, các khách sạn im lìm kéo theo hệ lụy của nhiều ngành nghề dịch vụ khác. Hiện nay, thị trường du lịch nội địa của Việt Nam cũng như các nước ASEAN đã mở cửa trở lại, tuy chưa đạt được mức bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh nhưng cũng đã phần nào tạo niềm tin cho các doanh nghiệp vào một thị trường hồi phục nhanh.
Các chuyên gia kinh tế tham dự Diễn đàn về Kinh tế ASEAN ngày 25/6/2020.
Thiên nhiên ưu đãi và lịch sử phát triển và văn hoá của các nước ASEAN đã tạo ra các địa điểm du lịch thu hút đông đảo khách quốc tế từ khắp nơi trên thế giới. Từ Vịnh Hạ long, Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Cố đô Huế của Việt Nam đến Angco Wat, Biển Hồ của Campuchia, Kinh đô Luang Prabang, Cánh đồng Chum của Lào, Cung điện Hoàng gia, Chùa Vàng, Chùa Phật Ngọc của Thái lan, Sông Mê Kông, các địa điểm du lịch nổi tiếng khác như các nhà thờ đạo Hồi, vườn quốc gia động, thực vật và đặc biệt là các bãi biển tươi đẹp với các sản vật phong phú…đếu có sức hút mãnh liệt đối với khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Theo thống kê của Hội đồng Du lịch thế giới, khách du lịch đóng góp tới 13% GDP của khu vực Ðông - Nam Á năm 2018, cao thứ hai chỉ sau khu vực Caribe. Dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài đã tạo ra 220 tỷ USD doanh thu khu vực trong năm 2018.
Với tầm quan trọng như vậy, việc các nước ASEAN phối hợp hành động để từng bước mở cửa lại thị trường du lịch sẽ có tác động rất lớn đến sự phục hồi của thị trường tại từng nước ASEAN cũng như thị trường khu vực, và đón đầu sự phục hồi của thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, dịch vụ các sản phẩm du lịch phần nhiều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các doanh nghiệp lớn với vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để cũng vượt qua khó khăn.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này như Vingroup, Sungroup, FLC, Vietnamairlines, Vietjetair….cũng đang có những bước đi thận trọng để khôi phục kinh doanh, tạo niềm tin, động lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ cần có các chính sách kích cầu du lịch, kết hợp với chính sách thu hút từ các tập đoàn lớn, chắc chắn thị trường du lịch sẽ sớm hồi phục và phát triển.
"Ngoài các lĩnh vực cần phục hồi gấp sau Covid-19, các chiến lược đường dài của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn là phải nâng cao năng lực quản trị, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và hoà nhập được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là việc đón đầu làn sóng dịch chuyển từ các trung tâm gia công lớn đến các nước ASEAN", bà Bích Hường phát biểu.