Công ty giày da Huê Phong (Gò Vấp, TP.HCM) đã phải thu hẹp sản xuất do dịch COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đó là nhận định của ông Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ông Ngân nhận định từ quý 3-2020 trở đi, tình hình càng khó hơn cho các DN bởi đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành trên thế giới.
Nhu cầu hàng hóa giảm mạnh, kinh tế thế giới dự báo còn giảm sâu, thậm chí là "lặn sâu". VN là nền kinh tế mở, với kim ngạch xuất nhập khẩu trên 520 tỉ USD, gấp đôi GDP. Một khi các nước, nhất là các đối tác kinh tế lớn của VN như Mỹ vẫn đang vất vả đối phó với dịch bệnh, nhu cầu hàng hóa sẽ không còn như trước.
Nhiều DN không có đơn hàng xuất khẩu, dự báo số người mất việc, thất nghiệp sẽ còn tăng trong những tháng tới.
Trong tình huống này, cần có gói hỗ trợ đợt 2 để giúp số DN chờ giải thể, dừng hoạt động có thể trở lại sản xuất kinh doanh, giảm tối đa sa thải lao động. Gói hỗ trợ đợt 1 (khoảng 2 - 3% GDP) đã triển khai chưa được như mong muốn. Do vậy, cần phải đánh giá lại quá trình triển khai gói thứ nhất, từ đó xây dựng gói hỗ trợ đợt 2.
DN đều đặn nộp thuế thu nhập DN. Nay họ khó khăn, nên miễn thuế thu nhập cho tất cả DN trong năm 2020. Nếu năm 2020 DN bị lỗ do COVID-19, nhưng trước đó năm 2019 có đóng thuế thu nhập thì nên hoàn lại 30-50% số thuế này.
* Gói hỗ trợ đợt 2 phải có gì khác so với đợt 1?
- Gói hỗ trợ đợt 2 phải đảm bảo nguyên tắc giúp DN trụ lại, còn gói an sinh xã hội giúp người lao động mất thu nhập do mất việc trang trải chi phí khi chờ việc.
Hai gói này hỗ trợ cho nhau. Quan trọng là các gói hỗ trợ này phải đến được tay DN và người dân. Không thể tái diễn như gói hỗ trợ 1, tiền không đến tay một số đối tượng cần hỗ trợ.
Gói hỗ trợ phải đón đầu "làn sóng" mất việc có thể đến do thị trường xuất khẩu gặp khó. Điều này chưa diễn ra trong thời gian tháng 3 đến tháng 5, cao điểm dịch tại VN. Khi đó chỉ có các lao động tự do, lao động thời vụ bị ảnh hưởng. Còn tới đây, mất việc là những lao động "cơ hữu" của các DN làm hàng xuất khẩu như giày da, quần áo, đồ gỗ...
Không chỉ hỗ trợ DN vừa và nhỏ, cần hỗ trợ cả DN đầu đàn, DN lớn dẫn dắt nền kinh tế, thương hiệu quốc gia lớn, như Hãng hàng không Vietnam Airlines hoặc DN có hàng hóa xuất khẩu đi nhiều nước. Những DN này đã đóng thuế lớn khi ăn nên làm ra những năm qua nhưng nay gặp khó, Chính phủ không thể quay lưng. Phải giúp họ vượt qua.
Ngoài ra, nên cấp thêm vốn cho quỹ bảo lãnh DN vừa và nhỏ để tăng cơ hội vay vốn ngân hàng. Cần kéo dài thời gian hoãn nộp thuế, tiền thuê đất ra cuối năm hoặc lâu hơn... Đặc biệt, nghiên cứu hoàn lại một phần tiền thuế thu nhập DN năm 2019 mà DN đã nộp để họ có nguồn lực vượt khó...
Nhiều nước có gói hỗ trợ tương đương 10% GDP. Trước đây, năm 2008, chúng ta cũng đã có gói kích thích kinh tế khoảng 10% GDP. Nay quy mô gói đợt 2 cũng phải như thế mới giúp người dân, DN vượt khó.
* Như vậy, Chính phủ sẽ vay thêm tiền để thực hiện gói hỗ trợ đợt 2 nhưng có lo ngại sẽ lại làm tăng nợ công?
- Đại dịch COVID-19 trên thế giới làm cho hàng trăm triệu lao động mất việc, cả triệu DN ngấp nghé phá sản. Kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng dự báo tăng trưởng -3% nhưng bây giờ xuống đến -4,9%, thậm chí có tổ chức dự báo -7,6%.
Vì thế tất cả các nước đều tung ra gói hỗ trợ người dân và DN, chấp nhận bội chi cao hơn, vay nợ nhiều hơn để có tiền cứu trợ. Trong năm 2019, bình quân bội chi ngân sách chính phủ các nước khoảng 3,9% GDP nhưng đã tăng lên 13,9% trong năm 2020.
Năm 2019, nợ công toàn thế giới ở mức 82,8% GDP nhưng năm 2020 ước là 101,5% GDP toàn thế giới.
Với VN, chúng ta có dư địa rất lớn để Chính phủ vay thêm tiền nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Giai đoạn năm 2016 - 2019, VN đã kiểm soát rất tốt nợ công, nhờ bội chi giảm, GDP tăng trưởng khá 7%.
Trần nợ công cho phép là 65%, nhưng chúng ta đã kéo nợ công từ 63,7% GDP còn 54,7% GDP, giảm khoảng 9%. Nay do đại dịch, chúng ta có thể tăng mức nợ công thêm 3 - 4%, lên 57 - 58% GDP để Chính phủ có tiền hỗ trợ DN và người dân mà vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô.
Mặt khác, trong bốn năm qua chúng ta liên tục xuất siêu, tổng cộng 22 - 23 tỉ USD, dự trữ ngoại hối tăng mạnh. Đó là của để dành, nay dùng nguồn lực này để vực dậy DN, giữ công ăn việc làm cho người lao động.
* Nhưng nợ công tăng cũng ảnh hưởng đến lạm phát, trong khi lạm phát những tháng đầu năm khá cao?
- Đây là vấn đề cần phải phân tích đến ngọn ngành, không gây ra lo lắng quá mức. Bốn năm qua, chúng ta giữ lạm phát dưới 4%/năm. Lạm phát hiện vào khoảng 4,19%, do giá lương thực, thực phẩm tăng cao.
Như giá thực phẩm tăng 14,28%, chủ yếu là do giá thịt heo tăng (do dịch bệnh, thiếu hụt nguồn cung, chứ không phải do tăng cung tiền hay nới lỏng tài khóa).
Khi tính lạm phát để điều hành chính sách tiền tệ, người ta thường quan tâm lạm phát cơ bản, loại bỏ các yếu tố bất thường do thiên tai, biến động giá lương thực và xăng dầu... Lạm phát cơ bản đang ở mức 2,8% nên không quá lo lắng về lạm phát nếu có gói hỗ trợ thứ 2.
Mặt khác, dự báo lạm phát trên thế giới cũng giảm do nhu cầu tiêu dùng ở mức thấp. Ở VN, Chính phủ đang tập trung tăng nguồn cung thịt heo, kiểm soát giá gạo ở mức hợp lý để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
* Cần có gói hỗ trợ đợt 2, nhưng thực tế gói đợt 1 triển khai chưa thông suốt. Chưa kể chúng ta có nguồn lực từ 700.000 tỉ đồng đầu tư công nhưng chưa khai thác tốt để tạo ra việc làm cho DN và người lao động?
- Đúng là có tâm lý lo ngại làm sai, bị kỷ luật. Vì vậy, khi đã xác định khôi phục kinh tế như chống giặc, cũng cần xác định phải có điều hành như thời chiến.
Có giải ngân được đầu tư công, cộng với gói hỗ trợ đợt 2, tạo ra "song kiếm hợp bích" để tạo việc làm cho người lao động, giữ DN ở lại thương trường. Cần có luật đặc biệt để giải quyết nhanh những thủ tục, đặt hiệu quả lên hàng đầu, chứ không phải là quy trình, đó là "luật thời chiến chống giặc COVID-19".
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Theo TTO
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI