Chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp

Chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp

Chiến lược phát triển bền vững gắn với mục tiêu kinh doanh được nhìn nhận là điều kiện tiên quyết cho thành công của doanh nghiệp (DN). Điều này bắt nguồn từ yêu cầu của thực tiễn, khi các quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc, trong đó có Việt Nam đang tích cực hướng đến nền kinh tế xanh.

Nguồn:Kinh tế & Đô thị

“Cạnh tranh xanh” là xu hướng toàn cầu

Trong xu hướng chung hướng tới phát triển bền vững, chú trọng các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên năng lượng, nhiều quốc gia đã ban hành ngày càng nhiều các quy định về bảo vệ môi trường. Là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam đã đưa ra cam kết và tích cực, chủ động, nỗ lực giảm thiểu phát thải nhà kính, tác nhân chính của sự nóng lên toàn cầu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zezo) vào năm 2050.

Doanh nghiệp phát triển bền vững là xu hướng và là yêu cầu của thực tiễn.

Doanh nghiệp phát triển bền vững là xu hướng và là yêu cầu của thực tiễn.

Chính vì vậy, “cạnh tranh xanh” sẽ là xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu trong thời gian tới. Việc các DN chủ động gắn kết phát triển bền vững với hoạt động kinh doanh sẽ giúp DN dễ dàng đáp ứng với những quy định đang liên tục thay đổi và ngày càng chặt chẽ, hội nhập được với dòng chảy toàn cầu, tìm được tiếng nói chung với người tiêu dùng và các nhà cung cấp.

TS Cấn Văn Lực (Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia) nhấn mạnh, DN chuyển đổi xanh hướng tới phát phát triển bền vững trong sản xuất là đòi hỏi, sức ép của thị trường, cũng là lợi ích của DN trong hiện tại và lâu dài. Nếu DN không sản xuất ra các sản phẩm xanh thì khó có thể xuất khẩu được vào nhiều thị trường khó tính.

Chia sẻ thực tế từ DN, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob khẳng định, phát triển bền vững là động lực tạo giá trị, không phải là gánh nặng cho DN. Từ năm 2015, tất cả nhà máy Nestlé Việt Nam đã đạt mục tiêu “không rác thải chon lấp ra môi trường”.

Trong đó, nhiều sáng kiến mô hình nền kinh tế tuần hoàn được công ty áp dụng nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên. Hệ thống xử lý nước đã giúp công ty tái sử dụng 60 - 65% tổng lượng nước thải. Các chất thải như bã cà phê, cát thải từ lò hơi… từ sản xuất đều được tận dụng để trở thành năng lượng xanh, hoặc nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm khác.

Là DN cũng đang theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, Tổng Giám đốc Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam Vũ Anh Tuấn cho biết: CP Việt Nam đã không ngững đầu tư chuyển đổi xanh trong DN từ công nghệ, máy móc tân tiến đến sử dụng năng lượng sạch, bền vững và luôn đề ra nhiều sáng kiến giảm lượng bao vì.

Thực hành chuyển đổi xanh tại DN không chỉ giúp DN nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm tài nguyên mà còn tối ưu hóa chi phí, tạo lợi thế cạnh tranh cũng như mang lại thương hiệu tố, niềm tin trong đối tác và khách hàng. Như một lẽ tự nhiên, khi là một công ty quan tâm đến môi trường thì công ty cũng có thêm khách hàng, nhà cung cấp, đối tác quan tâm tới môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Doanh nghiệp cần thêm trợ lực

Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, tuy nhiên các DN đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Trong đó, vốn đầu tư là một trong những trở ngại lớn mà nhiều DN gặp phải trong lộ trình hướng tới phát triển bền vững, đặc biệt là các DN tư nhân vừa và nhỏ. Các khoản đầu tư cho chuyển đổi mô hình phát triển bền vững thường lớn và không phải lúc nào cũng hiển thị kết quả ngay lập tức.

Các khoản đầu tư như sử dụng năng lượng sạch hoặc điều chỉnh quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động đến môi trường lại là những khoản đầu tư dài hạn và không thể hiện đầy đủ nếu chỉ đánh giá dựa trên giá trị kinh tế hay mục tiêu ngắn hạn trước mắt. Đây là những khó khăn thường gặp khi DN xây dựng và triển khai các giải pháp tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Chỉ ra những rào cản phát triển bền vững của DN, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, quá trình chuyển đổi xanh vẫn còn nhiều nút thắt và thách thức. Một trong những điểm nghẽn đó là kết nối câu chuyện bền vững với các động lực cốt lõi trong việc đưa ra quyết định lựa chọn nhãn hàng hay thương hiệu.

DN cần thay đổi cách tiếp cận và kết nối với người tiêu dùng để các sáng kiến bền vững thực sự trở thành động lực tạo giá trị. Bên cạnh đó, DN cần tăng cường hợp tác đa bên thông qua những nền tảng đối thoại để thúc đẩy hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh hướng đến hiện thực hóa cam kết Net Zero.

Ông Lê Hoàng Lân - Vụ Tài chính tiền tệ (Bộ KH&ĐT) cho biết, các dự án xanh hiện tại còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá.

Bên cạnh đó, DN gặp khó khăn về vốn để có nguồn lực mở rộng sản xuất, từng bước trở thành DN xanh; nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hay từ quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo vẫn rất khiêm tốn với nhu cầu của nhiều DN.

Để việc phát triển bền vững không dừng lại là một phong trào, Chính phủ cần phải có những định hướng cụ thể để phát triển theo, bắt nhịp cũng như tận dụng được những cơ hội quốc tế, đồng thời phù hợp với bối cảnh cũng như điều kiện của Việt Nam.

Mặt khác, các DN phải sớm thay đổi tư duy trong đầu tư sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, giải quyết vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ. Mặt khác, cần tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và ứng dụng vật liệu xây dựng xanh; tạo cơ chế phù hợp để vật liệu xây dựng xanh dễ dàng đến với người tiêu dùng, các chủ đầu tư, nhà đầu, các dự án.

Kinh tế & Đô thị
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang