Chiến lược phát triển kinh tế 2021-2030: Giảm phụ thuộc doanh nghiệp FDI

Chiến lược phát triển kinh tế 2021-2030: Giảm phụ thuộc doanh nghiệp FDI

Việt Nam đang quyết tâm đưa nền kinh tế phát triển theo chiều sâu và rút ngắn thời gian trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Để đạt mục tiêu này, ngoại lực là quan trọng, song nội lực mới là yếu tố then chốt quyết định.


Sản xuất thiết bị cơ khí tại Công ty ODIM. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất thiết bị cơ khí tại Công ty ODIM. Ảnh: CAO THĂNG

Thách thức lớn
Theo nhận định của TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý - Đại học Fulbright Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, cơ cấu nền kinh tế đã có sự thay đổi rõ ràng, trong đó vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm vị trí rất quan trọng, với 90% lực lượng lao động, 80% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% GDP và 65% tổng đầu tư xã hội. Điều này đồng nghĩa, có tới 2/3 các chỉ số quan trọng về kinh tế - xã hội ở nước ta thuộc DN tư nhân và DN FDI. 
Tuy nhiên, khu vực tư nhân (gồm 750.000 DN) lại chiếm chưa tới 10% GDP và tỷ trọng thấp suốt 20 năm qua, chưa bằng 1/2 khu vực FDI (chỉ gần 20.000 DN). Do chưa xây dựng và phát triển được đội ngũ DN tư nhân lớn mạnh nên đến nay nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào DN FDI. Theo tính toán, kim ngạch xuất khẩu của DN FDI chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, chiếm 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% lao động và 24% ngân sách.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, sự phụ thuộc này không phải ngắn hạn mà có tính cơ cấu, trung hạn và dài hạn, vì các DN trong nước không kết nối được chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam đã rơi vào bẫy của công nghiệp chế tạo chế biến, gia công với giá trị rất thấp, kỹ năng thấp và rất khó thoát ra. Chúng ta tự hào việc xuất khẩu rất nhiều loại linh kiện điện tử, điện thoại, quần áo và đồ gỗ... Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu và tỷ trọng của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều được thực hiện bởi DN FDI: 100% điện thoại và linh kiện; điện tử và máy tính 99%; phương tiện vận tải và phụ tùng 94%; giày dép 79%; túi xách, vali, ô dù 76%; quần áo 60%; sản phẩm gỗ 49%... Chưa hết, để xuất khẩu các mặt hàng này, các DN lại nhập khẩu nguyên liệu với tỷ lệ tương ứng như điện tử và máy tính chiếm 92%; điện thoại và linh kiện 89%; máy móc thiết bị 63%; vải các loại 63%; hóa chất 58%; phụ tùng ô tô 55% và chất dẻo nguyên liệu 51%. 
Về giá trị sản xuất so với giá trị gia tăng, điển hình trong cấu trúc giá trị gia tăng của Samsung Thái Nguyên thực hiện năm 2018, trong 100 đồng giá trị gia tăng có tới 45,52 đồng thuộc về Samsung, 30 đồng tiếp theo cũng thuộc về Samsung thông qua lợi vốn, gần 16 đồng thuộc về các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng (đa số là DN của Hàn Quốc). Chính quyền tỉnh Thái Nguyên chỉ được hưởng thông qua các loại thuế, nhưng nếu trừ đi các khoản hỗ trợ như đất và chi phí, thuế thì chỉ còn âm và lao động Việt Nam là 8,4 đồng. Tính bình quân, trong 100 đồng giá trị gia tăng của Samsung xuất khẩu, Việt Nam chỉ đóng góp 2,14 đồng. “Tương tự với nhiều DN FDI khác, đây là bài toán nếu không giải được thì chúng ta mãi không có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng để nâng cao năng lực cạnh tranh”, TS Vũ Thành Tự Anh lo ngại.
Việt Nam cũng đang đối mặt với xu hướng FDI giảm trên toàn cầu. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, với quá trình tự động hóa và dịch bệnh bùng phát, xu hướng các DN rút về chính quốc đang biểu hiện ngày càng mạnh mẽ. Do vậy, chúng ta không thể trông chờ vào ngoại lực FDI được nữa.
Quyết tâm phát huy nội lực 
Dự thảo định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng bình quân GDP 7%/năm, trong đó mong muốn có được 30% giá trị công nghiệp trong GDP. Tại hội thảo tham vấn về dự thảo nêu trên do Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH-ĐT phối hợp Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam vừa tổ chức ở TPHCM, nhiều chuyên gia cho rằng, cả 2 mục tiêu này rất khó chạm tới vì hiện giá trị công nghiệp trong GDP mới chỉ ở ngưỡng 17%-18%, trong khi mức độ tăng trưởng bình quân GDP đang bị giảm dần và giảm nhanh trong 2 thập niên gần đây. Nếu tốc độ tăng GDP trung bình trong thập niên 1990 và 2000 lần lượt là 7,6% và 7,2% thì xuống còn 6,3% trong giai đoạn 2011-2019. Nếu tính riêng năm 2020, chỉ còn khoảng 5,9%. 
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, đồng thời xây dựng được nền kinh tế tự chủ, dựa trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động tích cực hội nhập (như dự thảo đề ra), TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chỉ ra rằng, trong 10 năm tới, nếu Việt Nam không có quyết tâm chính trị để huy động mọi nguồn lực trong nước sẽ không còn cơ hội phát triển. Cần sự thay đổi cơ bản về thể chế, định hướng thị trường, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho khu vực DN tư nhân phát triển mạnh mẽ, nhằm tạo đột phá về chất lượng. 
Theo TS Trần Du Lịch, trong lĩnh vực công nghiệp, cần đẩy mạnh việc cơ cấu lại các khu công nghiệp, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ nội địa để không phụ thuộc quá lớn vào DN FDI. Chỉ như vậy, ta mới được hưởng lợi việc miễn giảm thuế từ các hiệp định thương mại đã ký kết và có hiệu lực.
Một vấn đề lớn nữa, cần xây dựng chương trình riêng về nâng cao năng suất lao động. Xem đó như một trong những biện pháp đột phá có cơ sở nhất để nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hiện nay, năng suất lao động của chúng ta vẫn đứng ở mức thấp trong nhóm ASEAN 6. Đồng thời tập trung nghiên cứu các chính sách cho mô hình khởi nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. 
Đối với khu vực FDI, bên cạnh việc thu hút có chọn lọc, hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, việc tìm cách cho DN nội địa kết nối mạng lưới cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia phải trở thành một ưu tiên chính sách quan trọng của Chính phủ trong giai đoạn tới. 
Ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia tư vấn và đào tạo DN, có cùng quan điểm là cần hỗ trợ kinh tế tư nhân xây dựng thương hiệu và niềm tin quốc gia. Chính phủ nên có các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp giúp các DN tư nhân tái cấu trúc, tái định dạng mô hình kinh doanh hoặc đơn giản vươn lên một cấp độ hiệu quả hơn hiện tại. Để thúc đẩy tiêu dùng công tại Việt Nam, Nhà nước cần có các chính sách cụ thể và chi tiết cho từng ngành, giúp khối tư nhân có thể tiếp cận các chương trình mua sắm công dễ dàng và hiệu quả hơn, tạo nguồn thu bền vững cho kinh tế tư nhân. Chỉ như vậy, Nhà nước mới có thể khơi gợi được mọi nguồn lực, còn DN tư nhân mới thực sự đóng vai trò đặc biệt vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội. 
Viện dẫn thêm việc huy động các nguồn lực, ông Vũ Tuấn Anh cho rằng, nguồn kiều hối mỗi năm gửi về TPHCM tới 4,3 tỷ USD là rất lớn. Nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý, đây sẽ là nguồn lực khá quan trọng đóng góp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của thành phố. Nếu không, kiều hối sẽ tiếp tục chảy nhiều vào bất động sản vì nếu mua một miếng đất ở TPHCM, 5-10 năm sau có lời gấp 2-3 lần, chẳng ai bỏ tiền đầu tư xây dựng, vận hành một nhà máy làm gì.

* Nhìn lại sự phát triển kinh tế của TPHCM, có thể thấy DN FDI có những đóng góp quan trọng. Từ chỗ chỉ đóng góp 11,3% năm 1995, đến năm 2010 đã tăng lên 22,9% và hiện nay đang đóng góp 17% GRDP của thành phố. Về kim ngạch xuất khẩu, năm 1995 đóng góp 8,8%; năm 2010 tăng lên 23,9% và hiện nay là 55,9%. Theo nhận định của UBND TPHCM, tác động lan tỏa từ DN FDI sang các DN trong nước chưa được như kỳ vọng. Tỷ lệ chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN trong nước chưa cao. DN FDI đầu tư vào TPHCM còn tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản (chiếm tới 43% tổng nguồn vốn đầu tư).

-------------------
* Làm thế nào để xây dựng được đội ngũ DN tư nhân lớn mạnh nhằm giảm sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào khối DN FDI? 
Nhiều ý kiến chuyên gia thống nhất, rất cần sự hậu thuẫn từ Chính phủ. Nói cách khác, cơ quan nhà nước phải làm tròn vai trò “bà đỡ”, thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp và đi vào cuộc sống, còn DN lớn phải giữ vai trò đầu tàu. Qua đó, tạo dựng  một đội ngũ doanh nhân có tâm, có tầm, không vì lợi ích ngắn hạn của riêng mình mà phá vỡ lợi ích chung của cộng đồng.

 

Theo SGGP

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang