Dĩ bất biến, ứng vạn biến
Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), tiến trình hội nhập sâu hiện nay không chỉ tạo cơ hội cho xuất nhập khẩu, tham gia và phát triển các chuỗi cung ứng mà còn mở ra cơ hội cho tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ; đồng thời thúc đẩy cải cách thể chế và đổi mới sáng tạo. Trong đó, với xu hướng thay đổi của các chuỗi giá trị, mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu đã và đang diễn ra, Việt Nam là một trong số không nhiều nước đang có được những lợi thế rất lớn.
|
Tiến trình hội nhập mang lại nhiều cơ hội lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu |
Theo đó, mặc dù lợi thế nhân công, lao động dù đã giảm bớt nhưng vẫn ở mức cạnh tranh. Trong khi thông qua hội nhập và tham gia vào các FTA, Việt Nam đang ngày càng kết nối tốt hơn. Kinh doanh ở Việt Nam tương đối thuận lợi nhờ các FTA; Việt Nam ngày càng là đối tác tin cậy của rất nhiều nước lớn – cho thấy không chỉ là câu chuyện hiệu quả kinh tế mà chúng ta còn có thể tận dụng được các mặt hàng chiến lược, công nghệ lõi… nếu tuân thủ tốt các cam kết, trong đó có vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên trong xu thế lớn của thế giới hiện nay, khi sự bất định tăng lên, phức tạp hơn (cả về quy mô, tần suất và sự đa dạng) đặc biệt vì sự xuất hiện và tác động của đại dịch Covid-19 bên cạnh đó là những “va đập” giữa các nước lớn gia tăng và xu thế chuyển dịch các chuỗi giá trị không đơn thuần gắn với hiệu quả và thị trường mà còn gắn với các yếu tố chính trị thì việc tư duy, thiết kế lại để có cách làm đúng, khai thác hiệu quả tiến trình hội nhập mang lại là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, mặc dù các nguyên tắc về hội nhập, chiến lược hội nhập của Việt Nam cần phải giữ được (như giữ vững các trụ cột của cải cách, đổi mới là ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thị trường và hội nhập quốc tế; hội nhập toàn diện chứ không chỉ về kinh tế; “chơi” với những đối tác năng động, giỏi hơn mình; lồng ghép giữa cam kết chơi theo luật, theo các quy định mà các hiệp định đặt ra với đẩy mạnh hợp tác; nhất quán ủng hộ đa phương…) thì tính linh hoạt trong nội hàm, khả năng thích ứng với các thay đổi cần phải được thúc đẩy trong bối cảnh CMCN 4.0 và những bất định từ căng thẳng thương mại, địa chính trị hay tác động của đại dịch Covid-19 khiến các xu hướng lớn trên thế giới theo hướng phức tạp, đa dạng và nhanh hơn.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, bất định tăng lên cũng dẫn đến khi làm bất cứ việc gì đều phải tính đến các yếu tố bất định, rủi ro và cách thức ứng phó. Trong đó, một mặt cần xây dựng nhiều kịch bản gắn với mỗi bất định, rủi ro để có cơ chế xử lý và nỗ lực để biến các rủi ro bất định thành các rủi ro xác định được. Mặt khác, nếu xác định cú sốc là dài hạn thì phải cải tổ, cú sốc là ngắn hạn thì phải điều chỉnh, thích nghi. “Tóm lại, đây là thời của tư duy lại, thiết kế lại và xây dựng lại. Và thời đại hiện nay đòi hỏi nhận diện rõ 3 vấn đề quan trọng: Thứ nhất, tốc độ quan trọng hơn quy mô; Thứ hai, vốn xã hội quan trọng hơn tiền bạc; Thứ ba, học để biết cách học quan trọng hơn công nghệ”, TS. Thành lưu ý.
Đột phá thể chế vẫn là cốt lõi
Đẩy mạnh cải cách thể chế và tư duy lại cũng là điều được TS. Nguyễn Đình Cung - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh. Áp lực cải cách thể chế không chỉ đến từ những hiệp định chất lượng cao với các đối tác bên ngoài mà còn đến từ chính các vấn đề nội tại trong nước. Chẳng hạn như vấn đề quyền tự do kinh doanh, ông Cung cho rằng, “hiện DN mới được quyền tự do làm gì, chứ chưa được tự do làm thế nào… DN phải được tự do làm theo cách để họ đạt được mục tiêu. Nếu mở được như vậy sẽ tạo ra không gian tự do rất lớn và đảm bảo được sự an toàn trong kinh doanh”.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chất lượng thể chế và cải cách thể chế sẽ là yếu tố quyết định phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới, vì vậy thể chế vẫn được xác định là một đột phá chiến lược trong những năm tới. Tuy nhiên điểm khác là nếu như trước đây, trọng tâm của đột phá thể chế là việc cải cách thủ tục tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thì trọng tâm đột phá tới đây là đổi mới thể chế phân bố nguồn lực, xây dựng phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất, lao động, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ… để những thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong phân bố nguồn lực.
Việc phân bố nguồn lực Nhà nước chưa theo nguyên tắc thị trường chính là một trong những điểm nghẽn của nền kinh tế hiện nay, vì việc phân bổ vẫn theo cơ chế xin – cho, thân hữu dẫn đến sai lệch, sử dụng nguồn lực kém hiệu quả và hệ lụy là nền kinh tế cạnh tranh kém hiệu quả như hiện nay. Nếu chúng ta lật ngược được thể chế phân bố nguồn lực này (nguồn lực của Nhà nước phải được phân bố theo nguyên tắc thị trường, phụ thuộc vào mức độ hiệu quả của các dự án) thì hiệu quả sẽ sử dụng nguồn lực sẽ được nâng cao. Ví dụ nếu kéo được ICOR từ 6 xuống 4 thì thì hoàn toàn có khả năng đạt được tăng trưởng kinh tế trên 8%/năm.
Nhưng chuyên gia này cũng lưu ý, cải cách được điều này là “vô cùng khó” và phải rất quyết tâm mới làm được. Nhu cầu thay đổi tư duy hay đột phá về tư duy vì vậy là rất quan trọng và cần thiết. “Cần thay đổi tư duy cả về vai trò nhà nước, cách thức quản lý nhà nước đến các công cụ, kỹ năng quản lý Nhà nước”, ông Cung khuyến nghị.
Theo TBNH