Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được cấp bù lãi suất khi vay vốn

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được cấp bù lãi suất khi vay vốn

Các doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm sẽ được Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất bên cạnh ưu đãi về lãi suất khi vay vốn ngắn hạn.


Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được cấp bù lãi suất khi vay vốn - Ảnh 1.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM có sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài - Ảnh: N.AN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt nghị quyết 115/CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nội dung trên.

Cụ thể, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển sẽ được Nhà nước cấp bù lãi suất bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Cùng với đó là việc tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng.

Để thực hiện chính sách trên, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp, đề xuất và phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để cấp bù chênh lệch lãi suất cho các tổ chức tín dụng thực hiện theo đúng quy định của Luật đầu tư.

Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách nhà nước cấp bù tối đa là 5%/năm.

Ngoài các chính sách trên, nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển, khuyến khích địa phương đầu tư nguồn lực, phát triển chuỗi giá trị trong nước, bảo vệ thị trường, tạo quy mô đủ lớn, nâng cao năng lực doanh nghiệp, hoàn thiện hệ thống thống kê, cơ sở dữ liệu...

Đáng chú ý với chính sách thuế, nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Tài chính trình cấp thẩm quyền sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng theo hướng điều chỉnh cơ chế và thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng, tạo thuận lợi về vốn cho các doanh nghiệp.

Sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ôtô để khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ôtô nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước.

Nghị quyết cũng dành ưu tiên vốn ngân sách để xây dựng 5 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng trong lĩnh vực công nghiệp, cơ khí, điện tử, dệt may và da giày để hỗ trợ đổi mới và sáng tạo, sản xuất thử nghiệm và kiểm định chất lượng cho các doanh nghiệp.

Chính sách tập trung ngành cơ khí, dệt may, da giày, ôtô, điện tử và công nghệ cao

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp cung ứng cho tập đoàn đa quốc gia, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.

Đến năm 2030 đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp và 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng.

Với vai trò là cơ quan tham mưu, xây dựng dự thảo, Bộ Công thương cho biết đã phân tích, đánh giá thực trạng và những tồn tại, hạn chế của ngành cũng như tính đến tác động của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ và đại dịch COVID-19 đối với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và xu hướng chuyển dịch các dòng vốn đầu tư để nhấn mạnh vai trò then chốt của công nghiệp hỗ trợ.

 

Theo TTO

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang