Doanh nghiệp vượt khó

Doanh nghiệp vượt khó

Trong bối cảnh phải cắt giảm chi tiêu bởi hệ lụy COVID-19, giám đốc một công ty vẫn quyết định đầu tư bạc tỉ thuê mặt bằng 'vàng' giữa trung tâm TP.HCM để mở siêu thị mỹ phẩm, tuyển hàng chục nhân viên.


Đăng ký doanh nghiệp 2018: Tăng trưởng cao mà sao vẫn khó

"Ai cũng co cụm, ngủ đông thì ai sẽ nuôi người lao động? Dịch là "nguy", nhưng "cơ" đem lại là thuê được mặt bằng lớn giá rẻ, đẩy nhanh mua bán online và nhiều cơ hội khác cần tận dụng" - vị này nói.

Rất nhiều doanh nghiệp đã không chịu thúc thủ trước dịch bệnh, từ các tiểu thương đến những công ty xuất khẩu đều nỗ lực chòi đạp để tồn tại, thậm chí còn tăng được doanh số ấn tượng trong cơn khốn khó.

Mấy hôm nay, các tiểu thương Chợ Lớn (TP.HCM) làm một việc chưa từng có, đó là hợp lực để mở một phiên chợ online. Bán buôn ế ẩm, họ quyết định mang sản phẩm Chợ Lớn lên mạng giao hàng toàn quốc. 

Các tiểu thương ở những chợ ngoại như Mã Lai, Nga, Campuchia cũng không chịu thua, hàng hóa được đẩy lên mạng bán xuyên biên giới. Nhờ thế, những đơn hàng vẫn "bay" sang các nước đều đều trong bối cảnh "ngăn biên cấm cảng" với du khách.

Đối với thị trường mặt bằng, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực, thời trang, cửa hàng tiện lợi... đã tận dụng làn sóng trả mặt bằng để đảo vị trí, thuê được những chỗ đẹp giá hời mà xưa nay khó chen chân. 

Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ khoe rằng nhờ tận dụng lợi thế này, số lượng cửa hàng liên tục tăng trong thời gian qua và doanh số cũng tăng theo tỉ lệ thuận. 

Hay một doanh nghiệp vận tải trong nước kịp thời nâng thị phần giao hàng khi tung các chương trình lạ như đồng giá giao nội thành, giao hàng siêu tốc... khiến doanh số khách hàng vãng lai tăng đến 53%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng không bỏ lỡ cơ hội vàng từ dịch, nhất là những thị trường có xu hướng rời các nhà sản xuất Trung Quốc. Giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp hồ hởi kể rằng sản lượng xuất khẩu các mặt hàng trang trí sân vườn xuất sang Nhật đã tăng gấp đôi. 

Điều đáng mừng với doanh nghiệp này chính là chất lượng sản phẩm Việt đã chinh phục những khách hàng Nhật khó tính, loại hoàn toàn sản phẩm cùng loại của Trung Quốc ra khỏi catalogue ở Nhật. 

Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp trong ngành gỗ lao đao, lại có những doanh nghiệp doanh số tăng, công nhân tăng và đơn hàng cũng kín. Chỉ riêng nhóm đồ chơi, dụng cụ thể thao xuất khẩu đã có con số xuất khẩu tăng 72% trong 7 tháng đầu năm nay.

Đó là sự chủ động, tự cứu mình, cứu doanh nghiệp bằng cách tìm kiếm cơ hội trong khi dịch bệnh còn hoành hành. Điểm chung từ các doanh nghiệp này là họ đã lên mọi kịch bản, sẵn sàng cho mọi tình huống, dù xấu nhất nên không lúng túng trước thời cuộc.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009, khái niệm "VUCA" (viết tắt tiếng Anh của cụm từ bất định, không chắc chắn, phức tạp, mơ hồ) lại một lần nữa được nhắc đến nhiều hơn đối với giới kinh doanh bởi những biến động khôn lường của thị trường. 

Do đó, không chỉ COVID-19, rất nhiều biến động có thể xảy ra trong tương lai buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc, thích nghi và tăng khả năng chống chịu từ bên ngoài để tồn tại với trạng thái "bình thường mới" bằng một tâm thế mới.

 

Theo TTO

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang