Năm 2025 sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt cho thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Các xu hướng mới, từ việc áp dụng công nghệ trong thương mại điện tử (TMĐT) đến sự phân hóa trong hành vi tiêu dùng, không chỉ định hình lại thị trường mà còn tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp.
Thị trường bán lẻ 2025 được dự báo sẽ định hình xu hướng mua sắm mới. Ảnh: Hải Yên
Sự thay đổi đến từ áp lực và cơ hội
Hành vi tiêu dùng tại Việt Nam đang trải qua những thay đổi sâu sắc, khi người tiêu dùng phải thích nghi với các phương thức mua sắm mới để đảm bảo chất lượng cuộc sống mà không vượt quá khả năng tài chính.
Theo báo cáo của NielsenIQ, áp lực kinh tế như lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao đã khiến 50% người tiêu dùng Việt Nam hiện chỉ đủ khả năng chi tiêu cho thực phẩm và các nhu yếu phẩm cơ bản, trong khi những khoản chi tiêu xa xỉ bị cắt giảm đáng kể. Tỷ lệ chi tiêu cho thực phẩm trong tổng thu nhập đã tăng từ 50% lên 54% trong quý III/2024, phản ánh xu hướng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, điều này thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các kênh bán lẻ truyền thống như chợ và tạp hóa sang các mô hình hiện đại hơn như siêu thị mini và TMĐT, nơi người mua có thể tận dụng các ưu đãi, giảm giá và sự tiện lợi trong thanh toán.
Báo cáo Xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam 2025 của AppotaPay cũng nhấn mạnh, mặc dù mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam hiện nay rất rộng lớn, với 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của TMĐT từ 35 - 45% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.
Nguyên nhân chính thúc đẩy xu hướng này đến từ sự phát triển vượt bậc của công nghệ. Các nền tảng TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki và đặc biệt là TikTok Shop đang tạo nên những thay đổi lớn trong hành vi mua sắm. TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng 15% thị phần TMĐT năm 2024, trở thành một trong những kênh dẫn đầu xu hướng. Với khả năng cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và tích hợp mua sắm với giải trí, nền tảng này đã thu hút mạnh mẽ giới trẻ, nhóm khách hàng có nhu cầu tìm kiếm những trải nghiệm đa dạng, tiện lợi.
PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, nhận định: “TMĐT đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số. Với mục tiêu doanh thu TMĐT chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025. Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi, nhất là khi tốc độ tăng trưởng hiện nay đang rất tích cực”.
Xu hướng tìm kiếm giá trị thực tế của người tiêu dùng cũng thúc đẩy các chương trình khuyến mãi mạnh mẽ hơn. Theo NielsenIQ, 75% người tiêu dùng Việt Nam luôn tận dụng các ưu đãi để tiết kiệm chi phí, khiến siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi ngày càng trở thành lựa chọn ưu tiên. Các chương trình như “mua 4 tặng 3” hay “mua 8 nhận thưởng” của Nutimilk và Milo tiếp tục thu hút sự chú ý, thể hiện sự thông minh và cẩn trọng trong chi tiêu của người Việt.
Sự định hình tương lai bán lẻ năm 2025
Sự chuyển đổi trong hành vi tiêu dùng và tốc độ phát triển của công nghệ dự báo sẽ tạo nên một thị trường bán lẻ sôi động hơn vào năm 2025. Một trong những điểm nhấn lớn nhất chính là sự phân cực rõ nét trong tiêu dùng. Cụ thể, một nhóm người sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm cao cấp để nâng cao chất lượng sống, trong khi nhóm còn lại ưu tiên tiết kiệm nhưng không đánh đổi giá trị nhận được.
Báo cáo từ NielsenIQ và AppotaPay đều nhấn mạnh rằng, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chú trọng vào chất lượng sản phẩm. Cụ thể, 78% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho các sản phẩm chất lượng cao hơn, với 64% mong muốn các sản phẩm mang lại trải nghiệm đặc biệt như ở nhà hàng hay khách sạn. Điều này thúc đẩy sự phát triển của các dòng sản phẩm cao cấp, từ những thương hiệu như Meiji, TH True Yogurt hay Vinamilk, với các sản phẩm sáng tạo như sữa bột dạng thanh hoặc sữa chua ít đường, vừa tiện lợi vừa cao cấp.
Trong khi đó, áp lực tài chính khiến một bộ phận lớn người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm có giá trị cao với chi phí thấp hơn. Đây là động lực chính thúc đẩy các chương trình khuyến mãi lớn mạnh hơn, từ đó giúp các thương hiệu duy trì sự cạnh tranh trên thị trường.
Sự phát triển của công nghệ không chỉ giúp TMĐT trở thành động lực chính mà còn thúc đẩy các mô hình như mua sắm đa kênh (omnichannel), nơi người tiêu dùng có thể kết hợp giữa mua hàng trực tuyến và tại cửa hàng. Báo cáo từ AppotaPay cũng chỉ ra rằng, 25% người tiêu dùng mua sắm online để dự trữ hàng hóa và 21% mua để đáp ứng nhu cầu ngay lập tức, cho thấy sự kết hợp giữa TMĐT và bán lẻ truyền thống ngày càng quan trọng.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định: “Quy mô kinh tế số Việt Nam hiện đạt 13 - 14% GDP, với mục tiêu chiếm 20% GDP vào năm 2025. Đây là thời cơ vàng để Việt Nam bắt kịp xu hướng toàn cầu, tận dụng lợi thế từ chuyển đổi số”.
Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Có thể thấy, ngành hàng sữa ít đường đã tăng trưởng 19% vào năm 2024, trong khi các sản phẩm từ thực vật như sữa hạt của Vinamilk đang chiếm lĩnh thị trường. Báo cáo từ AppotaPay cũng nhấn mạnh rằng, tiêu dùng bền vững không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố bắt buộc để hàng hóa Việt Nam có thể vươn xa trên thị trường quốc tế.
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, để đạt mục tiêu xuất khẩu TMĐT hơn 11 tỷ USD vào năm 2027, các doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ số trong chuỗi cung ứng, đồng thời đảm bảo các tiêu chí về môi trường và phát triển bền vững.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Minh Tuấn nhấn mạnh rằng, thị trường bán lẻ năm 2025 sẽ tiếp tục là sân chơi đầy cơ hội và thách thức. Theo đó, TMĐT sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số mà còn góp phần đưa Việt Nam đạt được mục tiêu doanh thu bán lẻ lớn hơn, với 10% tổng doanh thu bán lẻ đến từ TMĐT vào năm 2025. Để không tụt lại phía sau, các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu các xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.