Một thỏa thuận tìm ra sự cân bằng
Về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng: Mục đích cuối cùng hai nước hướng đến là “một thỏa thuận nhằm tìm ra sự cân bằng”.
Trong đó, mỗi nước đều có lợi thế nhất định và đang cố gắng tối đa hóa lợi ích kinh tế - chính trị cho riêng mình.
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh về cách tiếp cận vấn đề của ông Donald Trump có sự khác biệt lớn so với người tiền nhiệm Barack Obama.
Cụ thể, ông Obama đã sử dụng chiến lược xoay trục sang khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), kết hợp với các triết lý đề cao sự dân chủ và công bằng, hình thành nên sức mạnh mềm đề giữ vị thể “tạo lập cuộc chơi” cho Mỹ.
Khác với người tiền nhiệm, Tổng thống Donald Trump vốn là doanh nhân, có một suy nghĩ khó đoán hơn, sử dụng cách tiếp cận trực tiếp vấn đề khi tiến hành cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Trước các mối nghi ngại trong nước, ông Trump cũng k chịu “ngồi yên” mà đã lấy lòng cử tri bằng cách thực hiện 3 việc nhất quán. Thứ nhất, đảm bảo giữ lời hứa khi tranh cử (nhưng việc thực hiện tới đâu còn phụ thuộc vào các quy định của luật pháp Mỹ và điều kiện thực tế). Thứ hai, theo đuổi phương châm "America First" (nên dịch là “nước Mỹ trước tiên”, chứ không phải là "nước Mỹ trên hết"). Thứ ba, có sự thực dụng của một doanh nhân nên mọi “thắng thua đều quy thành tiền”.
Hơn nữa, nước Mỹ cũng có sẵn nhiều lợi thế riêng.
Cán cân thương mại hiện nay cho thấy giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ lên tới 500 tỷ USD, trong khi đó, giá trị hàng hóa Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chỉ 160 tỷ USD. Nếu chiến tranh thương mại leo thang, rõ ràng “dư địa” của Mỹ để tiến hành áp thuế lên mặt hàng Trung Quốc là lớn hơn.
Trung Quốc là một cường quốc mới nổi, đã trở thành “hiện tượng” khi có tốc độ tăng trưởng đáng nể trong 30 năm qua và đặt ra câu hỏi lớn đối với thế giới về tham vọng của quốc gia này.
Lợi thế lớn nhất của Trung Quốc đến từ thị trường trong nước đầy sức hấp dẫn với bất kỳ quốc gia nào, với dân số đông (1,4 tỷ người), tầng lớp trung lưu đang có xu hướng tăng nhanh và một tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Trung Quốc (thông qua vụ ZTE) cũng cho thấy vị trí top 10 trong lĩnh vực công nghệ, tất nhiên, sẽ phải còn khá lâu nữa quốc gia này mới bắt kịp Mỹ.
Nhưng với vị thế mới này, Trung Quốc đang dần tiến tới những mắt xích quan trọng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Đừng nhìn Trung Quốc về mặt số liệu mà đánh giá thấp vị thế của quốc gia này... Đây vẫn là đất nước có nhiều tiềm lực, có khả năng tập trung nguồn lực trong nước để xử lý vấn đề” – TS. Võ Trí Thành bình luận.
Tác động thế nào tới Việt Nam
TS. Võ Trí Thành cho biết, có một số người kỳ vọng dòng vốn nước ngoài rút ra khỏi Trung Quốc sẽ chảy vào Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, dòng vốn đầu tư đã bắt đầu rút ra khỏi Trung Quốc từ trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra.
Nguyên nhân chính là nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn tái cơ cấu, cùng với đó là các chính sách thắt chặt hơn của chính quyền.
Mặt khác, thương mại giảm, đầu tư cũng giảm do sự bất ổn từ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Dòng tiền thay vì đầu tư sẽ tìm đến những tài sản trú ẩn như vàng.
"Chính vì vậy, điều chúng ta chờ đợi là nguồn vốn ồ ạt chảy vào Việt Nam gần như khó có thể xảy ra", ông Thành đánh giá.
Đồng tình với nhiều học giả quốc tế, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định: Dù cuộc chiến tranh thương mại vẫn đang ở mức độ song phương nhưng nếu lan rộng ra hậu quả không chỉ cho hai nước mà toàn thế giới.
Bên cạnh đó, các biến động trên cũng tác động tới nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam thể hiện qua: chỉ số lạm phát, vay nợ nước ngoài và áp lực nợ công.
Do đó, để đối phó với những thách thức từ cuộc chiến tranh thương mại, TS. Thành nhấn mạnh tới các giải pháp gây dựng niềm tin cho thị trường tài chính và ổn định nền kinh tế vĩ mô trong nước thông qua hoạt động như: Tiến hành tái cấu trúc, xử lý nợ xấu và áp dụng tiêu chuẩn Basel 2 trong hệ thống ngân hàng.