Làm gì để ngành dệt may Việt khai thác lợi thế cạnh tranh xuất khẩu vào Mỹ?

Làm gì để ngành dệt may Việt khai thác lợi thế cạnh tranh xuất khẩu vào Mỹ?

Tác động hai chiều với khả năng thay đổi chính sách thuế quan trong nhiệm kỳ mới của tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt ra những cơ hội xen lẫn thách thức cho ngành dệt may Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhất là cần tận dụng tốt thời cơ, và những việc phải làm để duy trì, khai thác lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác. 

Nguồn:Vnbusiness

Trong báo cáo cập nhật mới nhất về ngành dệt may trong tháng 1/2025 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KBSV, đã nhận định rằng ngành dệt may Việt Nam sẽ bị tác động hai chiều từ chính sách thuế mới của tân tổng thống Mỹ Donald Trump.

Từ tác động hai chiều

Theo đó, tác động tích cực là các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) mặt hàng dệt may Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước khác trong việc giành thêm các đơn hàng từ Trung Quốc trong trường hợp nước này bị tăng mức thuế cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.

Các DN xuất khẩu xơ, sợi sang Mỹ cần đẩy nhanh chuyển đổi kép (xanh hóa và số hóa) và khai thác tốt các lợi thế cạnh tranh.

Như khảo sát của Hiệp hội ngành thời trang Hoa Kỳ (USFIA), Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về tốc độ cung cấp hàng hóa ra thị trường cũng như ít rủi ro về môi trường hơn so với ba nước còn lại thuộc top 5 bao gồm Bangladesh, Indonesia và Ấn Độ.

Với các tiêu chí còn lại, cả 4 nước đều được đánh giá ở mức trung bình không chênh nhau nhiều và hiện tại 5 nước XK hàng dệt may sang thị trường Mỹ nhiều nhất đều là tối huệ quốc (MFN) với Mỹ nên chịu mức thuế như nhau.

Trong khi đó, tác động tiêu cực là các DN xuất khẩu Việt Nam sẽ có khả năng bị ép giá đơn hàng hơn trước bởi mức thuế nhập khẩu vào Mỹ tăng cao. Hiện tại, các sản phẩm dệt may của Việt Nam XK sang Mỹ phần lớn có mã HS là 61091000 với mức thuế quan là 16,5%.

Đối với các sản phẩm còn lại mức thuế nhập khẩu vào Mỹ dao động trong khoảng từ 5% đến 32%. Mặc dù vậy, KBSV cho rằng trong trường hợp mức thuế quan tăng lên 20% như phát ngôn của tân tổng thống Donald Trump, các DN dệt may sẽ không bị ép đơn giá quá nhiều bởi mức thuế quan đã tương đối cao tại thời điểm hiện tại.

Với dự đoán tác động hai chiều như trên, giới phân tích vẫn kỳ vọng XK may mặc của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2025 sẽ tăng trưởng 12,6% so với năm 2024 nhờ việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc và kỳ vọng sự phục hồi tiêu dùng tại đây.

Theo dữ liệu từ Otexa, giá trị nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ tập trung ở 5 nước đứng đầu gồm Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia, trong đó Việt Nam luôn duy trì tỷ trọng XK tại Mỹ là hơn 20%, thị phần đứng thứ 2 chỉ xếp sau Trung Quốc. 

Con số này cho thấy hàng dệt may của Việt Nam được Mỹ ưa chuộng bởi sự đa dạng trong sản phẩm XK. Điều đó càng củng cố thêm kỳ vọng của Việt Nam về thị trường chủ lực này.

Đặc biệt khi thị phần hàng dệt may của Việt Nam tại Mỹ đang gia tăng và trong tương lai được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục do chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Donald Trump có thể được thực thi trong năm nay, đặc biệt áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với chính sách thuế quan lên tới 60%. 

Việc này buộc Mỹ phải tiếp tục tìm kiếm hàng bổ sung và nguồn thay thế cho hàng hóa từ thị trường này, trong đó Việt Nam có lợi thế về thị phần XK hàng dệt may đứng thứ 2 tại Mỹ (sau Trung Quốc) cùng với những lợi thế cạnh tranh khi thuộc khối các hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra, xét về đối thủ cạnh tranh ở thị trường Mỹ là Bangladesh (có lợi thế về chi phí sản xuất đến từ nhân công giá rẻ và phần nào tự chủ được nguồn cung vải đầu vào cho sản xuất may mặc), theo giới phân tích, do cơ cấu hàng dệt may XK vào Mỹ của Việt Nam tương đồng với Trung Quốc nên Việt Nam có lợi thế hơn Bangladesh trong việc bù đắp nguồn cung may mặc từ Trung Quốc.

Đến tận dụng tốt thời cơ

Cụ thể, Việt Nam và Trung Quốc đều tập trung vào XK sang Mỹ các sản phẩm may mặc từ sợi MMF (sợi nhân tạo) với tỷ trọng lần lượt là 56% và 57% như hồi năm 2024. Trong khi Bangladesh chủ yếu XK may mặc từ sợi cotton, với tỷ trọng là 68%.

Ngoài ra, tình hình chính trị ổn định hơn tại Việt Nam, ví dụ, hồi năm 2024, Bangladesh đã xảy ra xung đột chính trị gây gián đoạn việc sản xuất. Điều này khiến cho thị phần của Bangladesh tại Mỹ giảm 0,4 điểm phần trăm, còn Việt Nam tăng 0,7 điểm phần trăm.

Làn sóng dịch chuyển đơn hàng đã thể hiện rõ rệt các lợi ích đối với DN dệt may tại Việt Nam khi một phần doanh thu hồi năm rồi đến từ các đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh do hàng loạt DN dệt may tại các nước này phải đóng cửa do khủng hoảng chính trị xảy ra.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và cảng biển của Việt Nam phát triển hơn giúp đảm bảo thời gian giao hàng. Điều này thể hiện ở điểm số Logistics Performance Index (LPI) của World Bank, LPI của Việt Nam và Trung Quốc lần lượt là 3,3 và 3,7, cao hơn nhiều mức 2,6 của Bangladesh.

Tuy vậy, các DN xuất khẩu dệt may vào Mỹ không thể chủ quan với những lợi thế mà mình đang có. Như lưu ý của ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành dệt may Việt Nam sẽ gặp phải khó khăn lớn trong việc duy trì sự cạnh tranh với các quốc gia khác nếu không cải thiện năng suất lao động và giảm thiểu chi phí sản xuất.

Theo ông Trường, trong đánh giá các quốc gia để làm hàng dệt may XK đòi hỏi có 8 tiêu chí chính (gồm tốc độ ra thị trường, linh hoạt trong sản xuất, chất lượng, đơn giá, rủi ro về lao động và trách nhiệm xã hội, khả năng tích hợp dọc theo chuỗi, rủi ro về môi trường, rủi ro địa chính trị). Điểm đặc biệt trong 8 quốc gia hàng đầu về XK dệt may thì Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ có tổng điểm của 8 tiêu chí này là bằng nhau (25/40 điểm), thuộc loại cao của thế giới, cao hơn Bangladesh (22 điểm), Campuchia (21 điểm).

Thế nhưng, như chia sẻ của vị chủ tịch Vinatex, có một điểm mạnh lại hàm chứa điểm yếu của ngành dệt may Việt, tức là với cả 8 tiêu chí chính thì chỉ đạt trên 3 điểm (tức ở mức khá), trong khi không có tiêu chí nào đạt trên 4 điểm (tức mức tốt trở lên). Có nghĩa là rất đều nhưng không có điểm mũi nhọn. Chính vì thế, điểm mạnh đột phá của ngành dệt may Việt như chuỗi cung ứng tích hợp hay là đơn giá vẫn còn thua Trung Quốc. Vì vậy mà Việt Nam đứng thứ hai sau Trung Quốc về mặt quy mô.

Xét về trung hạn và kể cả dài hạn, ông Lê Tiến Trường cho rằng đối thủ chính yếu của dệt may Việt Nam vẫn là Bangladesh và Ấn Độ ở góc độ cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, chúng ta lại rất mạnh về sản xuất mặt hàng khó, chất lượng cao và đang tích hợp sản xuất xanh, thiết kế xanh, năng lượng xanh và cả chuyển đổi số cho kinh doanh trực tuyến trên toàn cầu. 

Và thêm một yếu tố nữa để tận dụng tốt thời cơ, cũng như duy trì và khai thác lợi thế cạnh tranh ở thị trường Mỹ, đó là các DN dệt may Việt cần đẩy nhanh chuyển đổi kép (xanh hóa và số hóa). Nhất là cần tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị XK sang Mỹ, nắm bắt xu hướng xanh hóa và số hóa để đa dạng đối tác, sản phẩm.

Vnbusiness
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang