.png)
Doanh nghiệp chủ động thích ứng, giảm phát thải, nâng giá trị chuỗi cung ứng để tăng sức cạnh tranh.
Việc sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vì thế được kỳ vọng sẽ mở đường cho một cuộc chuyển mình quan trọng – từ bên trong dây chuyền sản xuất.
Xuất khẩu gặp thách thức từ tiêu chuẩn xanh, thuế carbon
Thị trường thế giới, đặc biệt là châu Âu, đang dần dịch chuyển từ việc đưa ra các hàng rào kỹ thuật sang áp dụng rào cản thuế quan đối với hàng hóa không đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững. Theo ông Đặng Hải Dũng, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương), đây là những thách thức phi truyền thống có tác động trực tiếp đến năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp Việt.
Cụ thể, từ năm 2026, EU sẽ áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) – một loại thuế carbon đánh trực tiếp vào lượng khí phát thải trên sản phẩm nhập khẩu. Như vậy, nếu doanh nghiệp không chứng minh được sản phẩm có mức phát thải thấp, sẽ phải chịu chi phí gia tăng, kéo theo nguy cơ mất đơn hàng.
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vì thế trở thành một yếu tố bắt buộc để hàng hóa Việt vượt qua “cửa kiểm” kỹ thuật này. Không chỉ là yêu cầu về môi trường, đây còn là điều kiện tiên quyết để đảm bảo năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu.
Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhóm doanh nghiệp công nghiệp và thương mại – dịch vụ hiện đang sử dụng tới 82% sản lượng điện toàn quốc, trong đó riêng nhóm công nghiệp chiếm 53%. Đáng chú ý, hơn 4.000 doanh nghiệp sản xuất trọng điểm sử dụng tới 34% lượng điện thương phẩm toàn quốc.
Việc tiết kiệm năng lượng trong khu vực này không chỉ mang lại lợi ích cho hệ thống điện quốc gia mà còn góp phần giảm phát thải đáng kể cho từng đơn vị sản xuất – yếu tố sẽ được lượng hóa trực tiếp trong quá trình xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp xi măng, thép đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật như thu hồi nhiệt để tái sử dụng trong sản xuất hoặc phát điện. Mô hình này không chỉ giúp giảm chi phí, mà còn trở thành một lợi thế khi chứng minh cam kết phát triển bền vững với đối tác nước ngoài.
Tiếp sức doanh nghiệp xanh hóa xuất khẩu
Sau gần 15 năm triển khai, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã bộc lộ nhiều bất cập trước yêu cầu mới của nền kinh tế xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, dự thảo sửa đổi đang hướng đến việc đồng bộ hóa chính sách, nâng cao tính khả thi và mở rộng phạm vi hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực thi.
Theo ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nội dung sửa đổi lần này nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để Việt Nam tiếp cận các nguồn hỗ trợ quốc tế trong chuyển đổi năng lượng và xuất khẩu bền vững.
Về phía Bộ Công Thương, các nghị định, thông tư hướng dẫn sẽ được điều chỉnh đồng bộ, nhằm hướng dẫn cụ thể từng nhóm doanh nghiệp trong thực thi các yêu cầu mới. Điều này giúp tạo hành lang pháp lý minh bạch, dự báo rõ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng để doanh nghiệp chủ động chuẩn bị.
Không chỉ dừng lại ở luật, đại diện Bộ Công Thương cho biết các tập đoàn và tổng công ty sẽ xây dựng kế hoạch 5 năm với các chỉ tiêu cụ thể về tiết kiệm năng lượng, đảm bảo gắn kết giữa chính sách vĩ mô và hành động ở cấp cơ sở. EVN cũng đang triển khai kế hoạch như vậy, hướng tới một hệ thống sử dụng điện tối ưu hơn, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu.
Trong khi đó, với doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu – việc chuyển đổi công nghệ, cải thiện hiệu suất năng lượng, minh bạch hóa dữ liệu phát thải đang trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược thị trường.
Nếu như trước đây, tiết kiệm điện là việc của ngành điện, thì nay, đó là trách nhiệm sống còn của doanh nghiệp sản xuất. Trong môi trường kinh doanh toàn cầu nơi “mỗi đơn hàng là một cuộc thi tiêu chuẩn”, sản phẩm không tiết kiệm năng lượng sẽ khó có chỗ đứng.
Vì vậy, sửa đổi luật không chỉ để hoàn thiện thể chế, mà còn là cách giúp doanh nghiệp Việt tự trang bị “giấy thông hành” cần thiết, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế – nơi mà dấu chân carbon đang dần quyết định số phận một thương hiệu.