Đại hội đồng cổ đông CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội (Mã: HRT) vừa tổ chức hôm 15/6 vừa qua đã thông qua phương án sáp nhập với CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (Mã: SRT). Hai đơn vị đều là công ty con của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Cách đây một tháng, phương án sáp nhập này cũng đã được cổ đông của Đường sắt Sài Gòn thông qua với mục tiêu tái cơ cấu hai doanh nghiệp. Theo đó, một công ty sẽ thực hiện kinh doanh vận tải hàng hóa, và một công ty sẽ thực hiện kinh doanh vận tải hành khách.
Hoạt động vận tải bằng đường sắt vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các phương tiện khác trong nhiều năm gần đây, trong đó có sự lên ngôi của hàng không chi phí thấp. Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019, Đường sắt Sài Gòn nêu thực trạng thị phần ngành giảm sâu và ngày càng trở nên yếu thế hơn so với hàng không, đường bộ và đường biển.
Vận tải hàng hóa bằng đường sắt chưa tham gia sâu vào dịch vụ logistics vốn đang nở rộ nhờ sự phát triển của thương mại điện tử, chi phí hai đầu cao, thời gian chạy tàu dài, giá cước chưa linh hoạt theo biến động của thị trường, thiếu chủng loại toa xe, chất lượng chuyên chở lạc hậu, cơ sở hạ tầng - năng lực chạy tàu chưa được cải thiện, tỉ lệ tàu đúng giờ thấp (đặc biệt là tàu hàng)... là những vấn đề mà doanh nghiệp vận tải đường sắt đang phải đối mặt.
Nhưng tình hình trong năm 2020 dự kiến sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhiều hệ lụy kéo theo khiến cho doanh thu vận tải hành khách nhất là khách du lịch được dự báo sụt giảm. Miếng bánh vận tải bị thu hẹp dẫn đến cạnh tranh từ các hãng hàng không sẽ trở nên quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ dự án nâng cấp đường sắt 7.000 tỉ đồng cũng sẽ khiến hoạt động kinh doanh của cả hai doanh nghiệp gặp những trở ngại nhất định.
Chính vì lẽ này, kế hoạch doanh thu của Đường sắt Sài Gòn dự kiến giảm 38% còn 1.276 tỉ đồng; còn doanh thu của Đường sắt Hà Nội dự kiến giảm 37% còn 1.636 tỉ đồng. Kế hoạch lợi nhuận lần lượt lỗ 283 tỉ đồng và 335 tỉ đồng.