TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI)
Theo ông, đâu là những vấn đề được quan tâm nhất tại Đại hội cổ đông?
Biến động nhân sự cấp cao là vấn đề được quan tâm nhiều ở các ngân hàng trong mùa đại hội năm nay. Tuy nhiên, sức nóng của nhân sự cấp cao chủ yếu tập trung ở một số ngân hàng đang tái cơ cấu… Còn lại tại các ngân hàng khác, theo tôi chắc sẽ không có nhiều xáo trộn.
Ngoài vấn đề nhân sự, kết quả kinh doanh, tỷ lệ chia cổ tức, tăng vốn sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn của các cổ đông tại Đại hội cổ đông. Kết quả kinh doanh ngân hàng năm 2020 tuy không tăng cao như những năm trước, nhưng vẫn khá khả quan. Do đó, tỷ lệ chia cổ tức cũng sẽ ở mức tốt cho cổ đông ngân hàng. Điều này có lẽ làm hài lòng nhiều cổ đông trong năm nay.
Vậy còn việc tăng vốn của các ngân hàng sẽ ra sao, thưa ông?
Tôi cho rằng, việc xin ý kiến cổ đông giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn của các ngân hàng tại Đại hội cổ đông năm nay vẫn diễn ra suôn sẻ. Đó là vấn đề cấp thiết để tăng cường năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong bối cảnh kinh doanh ngày càng biến động. Tất nhiên, giai đoạn khó khăn này các cổ đông cũng mong muốn nhận được tiền mặt nhiều hơn, nhưng giờ các cổ đông cũng khá am hiểu, nhất là giá cổ phiếu ngân hàng tăng khá tích cực nên khoản đầu tư của họ tại ngân hàng thời gian qua sinh lời khá tốt. Do đó, theo tôi các cổ đông sẽ cảm thông, ủng hộ, chia sẻ đối với quyết sách này của ngân hàng. Nhưng để giữ chân được các cổ đông, khách hàng, ngân hàng nên hài hòa lợi ích cả hai bên. Quan trọng nữa là các ngân hàng phải giải trình kế hoạch, chiến lược kinh doanh rõ ràng, minh bạch sẽ mang tính thuyết phục cao hơn với các cổ đông.
Ông đánh giá triển vọng kinh doanh ngân hàng năm 2021 ra sao?
Nhìn từ góc độ vĩ mô, dự báo kinh tế phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, vaccine Covid ngày càng phổ biến là tín hiệu lạc quan. Ở góc độ vi mô, về phía nội lực của ngân hàng vẫn khá tốt dù trải qua năm 2020 đầy biến động dưới tác động của dịch Covid-19. Trong năm qua, hệ thống ngân hàng tiếp tục có chuyển động tích cực. Các chỉ số kinh doanh quan trọng khác như doanh thu, tài sản, chất lượng tín dụng được quản lý tốt hơn... Cải cách rõ nét nữa là mảng số hóa ngân hàng phát triển mạnh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, cải thiện cơ cấu doanh thu bền vững hơn cho ngân hàng.
Song, bên cạnh những điểm thuận lợi đó, còn có những vấn đề khó khăn mà ngân hàng phải đối mặt trong năm 2021. Đó là nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn từ nợ được tái cơ cấu; dự phòng rủi ro tăng, cộng với các đợt hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng đến năng lực tài chính của ngân hàng…
Mặc dù vậy theo quan điểm của tôi, triển vọng kinh doanh của các ngân hàng vẫn khá tích cực. Nhưng để duy trì tăng trưởng tốt, các ngân hàng cần phải có chiến lược kinh doanh hợp lý, tiếp tục cải tổ hoạt động để tăng sức bền có thể xoay xở tốt trước những biến động, và tận dụng hiệu quả cơ hội phục hồi.
Hiện tại thị trường vẫn đang kỳ vọng lãi suất có thể giảm thêm. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tôi nghĩ, việc giảm thêm lãi suất là rất khó. Vì kinh tế phục hồi càng mạnh sẽ kéo theo cầu tín dụng tăng, khiến cho khả năng giảm lãi suất càng khó. Có thể nói, năm nay, điều hành chính sách tiền tệ phải hết sức khéo léo. Nếu chặt quá thì lại có thể cản trở sự phục hồi của nền kinh tế. Còn nếu nới quá rủi ro tài chính, lạm phát cao lên. Mà rủi ro tài chính đã thấy rõ. Thời gian qua, lãi suất thấp, dòng tiền đã chuyển sang các kênh đầu tư khác là chứng khoán, bất động sản. Dù chưa có dấu hiệu bong bóng nhưng nếu hạ tiếp lãi suất thì rủi ro này là hiện hữu. Do vậy, theo tôi, tốt nhất là giữ mặt bằng lãi suất như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Theo TBNH