Xuất khẩu khó tăng 4%

Xuất khẩu khó tăng 4%

EVFTA chính thức có liệu lực và các biện pháp phục hồi kinh tế phát huy tác dụng, những điều này giúp xuất khẩu có thể vẫn tăng, nhưng không đạt mức 4% Quốc hội mong đợi.


bai-1-xuat-khau-1-5827-1594353973.jpg
 

Trong bối cảnh chỉ số thương mại toàn cầu nửa đầu năm nay giảm kỷ lục, Việt Nam cũng bị tác động mạnh, nhất là trong tháng 3 và 4/2020, thì những phân tích về chỉ số thương mại của Bộ Công Thương cho các tháng 5 và 6/2020 là những tin tốt. Nhìn vào các chỉ số thương mại nội địa, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã có sự hồi phục, tuy so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng trưởng âm, nhưng đã tăng so với tháng trước. Cụ thể, tháng 6/2020 xuất khẩu tăng 9,5% so với tháng 5 và tháng 5 tăng 9,1% so với tháng 4. Điều đó cho thấy, nếu nước ta giữ được nhịp độ phục hồi kinh tế thì sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa và xuất khẩu đều có dư địa phát triển tốt hơn những tháng cuối năm.

Dù vậy, Bộ Công Thương cũng lưu ý trong định hướng lớn về xuất khẩu và hội nhập thời gian tới. Theo đó, các thị trường xuất khẩu Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng tương đối tốt, tương ứng mức 17,4% và 10,3% so với cùng kỳ năm trước và Mỹ vẫn là thị trường có dư địa phát triển tốt và nước ta cần quan tâm trong những tháng cuối năm. Cạnh đó, vẫn còn những dư địa Việt Nam có thể tính toán để tăng xuất khẩu những tháng cuối năm. Chẳng hạn, thị trường CPTPP và một số nước khác cũng tăng trưởng dương, trong khi xuất khẩu của nước ta vào thị trường này vẫn tăng trưởng ở mức thấp.

Tăng trưởng của Việt Nam gồm ba cấu phần quan trọng nhất: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019. Xét theo nhóm/mặt hàng, trong 35 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu được thống kê chi tiết so với cùng kỳ năm trước chỉ 13 mặt hàng tăng lượng xuất khẩu trên 100 triệu USD, như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận... Xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 6 tháng giảm sâu, trong khi nhập khẩu của cả nước bị giảm trong 6 tháng đầu năm, trong đó có một số mặt hàng là nguyên nhiên vật liệu có liên quan đến sản xuất hàng xuất khẩu bị giảm sâu hơn.

Một thực tế cần được nhìn nhận trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp. Khả năng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, làn sóng Covid-19 lần thứ hai tại thị trường Mỹ và EU đã cho thấy nguy cơ này và vì vậy rất cẩn trọng trong việc giải pháp mở cửa và đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới phải dựa trên bảo đảm phòng chống dịch bệnh an toàn. Cùng đó, một số thị trường còn diễn biến phức tạp do câu chuyện của bảo hộ mậu dịch cũng như là xu hướng một số thị trường do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 làm khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường.

Những cảnh báo này hoàn toàn có cơ sở. Nhìn lại nửa đầu năm 2020, nhiều ngành hàng có cơ hội tăng trưởng khá lớn từ các hiệp định tự do thương mại Việt Nam đã ký, đặc biệt là CPTPP. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF), tăng trưởng ngành dệt may có thể tăng thêm từ 8,3-10,8%, nhờ khả năng cạnh tranh về giá trong khi vẫn giữ được thị trường chủ lực là Mỹ và EU. Tuy nhiên, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp của NCIF cho rằng, năng lực sản xuất trong nước không tăng nhanh tương ứng với tổng xuất khẩu dệt may của cả nước. Vì vậy nhiều khả năng, phần lớn xuất khẩu tăng thêm của ngành sang các thị trường mới là do chuyển hướng thương mại từ các thị trường truyền thống sang.

bai-1-xuat-khau-2-3885-1594353974.jpg
 

Theo TS. Thắng, khó khăn lớn nhất cho ngành dệt may vẫn là quy tắc xuất xứ vào CTTPP. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, ngành dệt may chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu, thì 90% bông nguyên liệu, 100% xơ sợi tổng hợp, 50% sợi bông và 80% vải khổ rộng, đều nhập từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc, những nước không phải thành viên CPTPP. Do đó, với quy định xuất xứ phải “từ sợi trở đi”, các doanh nghiệp đã không được lợi nhiều từ cắt giảm thuế quan.

Nền kinh tế đã trải qua gần nửa năm chống chọi với đại dịch, cho thấy không riêng ngành dệt may, nhiều ngành hàng xuất khẩu khác đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến việc mở rộng năng lực sản xuất gặp nhiều trở ngại, đồng thời khó tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA. Theo ông Thắng, nước ta cần xem những biến động trong thời điểm hiện nay như là sức ép và động lực cho các nhà đầu tư đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ của các ngành hàng để góp phần gỡ bỏ nút thắt, nâng cao giá trị gia tăng cho xuất khẩu. Đồng thời, cần tính đến các nhu cầu cấp bách trong tái cơ cấu ngành dệt nhằm thay thế nhập khẩu trong thời gian tới.

Hiện nay, trên toàn cầu, nhiều nền kinh tế đã tung các gói kích cầu quy mô lớn trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nền kinh tế. Đa phần các nước đều tăng cường chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Theo dự báo, nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II/2020 có thể kéo xuất khẩu tăng trở lại trong nửa cuối năm, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020.

Trong bối cảnh hiện nay, theo giới phân tích, xuất khẩu hàng hóa cả năm 2020 so với năm trước có thể sẽ không bị giảm như 6 tháng đầu năm nay, do Hiệp định Thương mại tự do EVFTA sẽ được thực hiện trong những tháng cuối năm và việc Việt Nam thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế trong bối cảnh nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam có thể kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, xuất khẩu có thể sẽ không tăng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang