Kinh thế tháng 7 “ngấm” dịch
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 1,8% so với tháng trước và 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua. Doanh nghiệp mới tháng 7 giảm cả về số lượng và vốn đăng ký so với tháng trước, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, thực hiện vốn đầu tư công đều giảm so với tháng trước…
Tại một cuộc tọa đàm diễn ra cuối tuần qua, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, tiến trình phục hồi vẫn đang diễn ra nhưng tốc độ chậm lại ở hầu hết các chỉ số. Vào đầu năm, phần lớn các tổ chức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo kịch bản cơ sở ở mức trên 6%. Đến thời điểm này, kịch bản cơ sở mà nhiều tổ chức đưa ra đều ở mức 5 đến 5,5%. Với kịch bản tiêu cực, trước kia dự báo xấu nhất tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn phải trên 5% nhưng giờ chỉ trên 4%.
Dù vẫn có nhiều cơ sở cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt được cao hơn, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị cần chủ động ứng phó nếu gặp phải kịch bản bất lợi. Đó là khi dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý IV, quá trình tiêm chủng vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung. Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm…
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nền kinh tế vẫn có những điểm sáng. Mặc dù dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Chính sách tiêm vaccine Covid-19 được Chính phủ và Quốc hội quan tâm nhiều hơn và đang đẩy mạnh triển khai. Trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới tăng tương đối nhanh, lạm phát vẫn được kiềm chế tốt so với trước. Thương mại, xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng tương đối tốt. Tỷ giá ổn định, lãi suất đang trên đà giảm tương đối tích cực… Nếu tiến trình tiêm vaccine Covid-19 được đẩy nhanh hơn trong quý III thì đến quý IV sẽ có sự phục hồi.
|
Mặc dù dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nhưng thương mại, xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng tương đối tốt. Ảnh: Lê Tiên |
Phát huy tối đa động lực tăng trưởng
Khu vực doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, dù sức chống chịu được nâng lên, nhưng doanh nghiệp đang rất khó khăn, khó có bứt phá trong thời gian cuối năm. Mô hình sản xuất “3 tại chỗ” được áp dụng thành công tại Bắc Giang, Bắc Ninh hiện gặp nhiều trở ngại do dịch diễn biến phức tạp hơn.
Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, quan trọng nhất hiện nay là tốc độ thực thi chính sách hỗ trợ về lương và các chính sách với người lao động, đồng thời cần thêm những giải pháp hỗ trợ mới mạnh mẽ hơn cho khu vực doanh nghiệp. Các chính sách cần khéo léo, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa giúp thị trường, doanh nghiệp vượt khó.
Về động lực tăng trưởng, trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021 vừa công bố, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể vẫn khá cao chủ yếu là nhờ xuất phát từ nền tảng rất thấp của năm 2020; động lực cho tăng trưởng kinh tế được dự báo đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Với việc dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, mặc dù có chậm lại do tác động của đại dịch, thì xuất khẩu của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự hồi phục của kinh tế thế giới. Cần chú trọng hỗ trợ nhóm doanh nghiệp xuất khẩu như một động lực cho tăng trưởng năm 2021.
Theo VEPR, đóng góp trực tiếp của đầu tư công vào tăng trưởng sẽ không cao như năm 2020 do nguồn lực tài khóa hạn hẹp hơn. Do đó, nên tập trung đẩy nhanh các dự án trọng điểm quốc gia đã có kế hoạch; các dự án đầu tư không thiết yếu ở địa phương cần được chấn chỉnh. Tiết kiệm chi thường xuyên là một trong những định hướng quan trọng khi Covid-19 vẫn là một ẩn số.
Theo Báo Đấu thầu