|
Tình trạng cạnh tranh kiểu cá lớn nuốt cá bé vẫn còn phổ biến. |
Trao đổi về mối quan hệ giữa doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ trong thị trường ICT, tại sự kiện giao lưu với các hội viên Hiệp hội Internet Việt Nam ngày 16/6, đại diện CMC và Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng hiện nay, thực trạng doanh nghiệp lớn không đóng vai trò dẫn dắt mà cạnh tranh với doanh nghiệp nhỏ theo kiểu chèn ép, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau, vẫn đang phổ biến và là nghịch lý của sự phát triển tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC đưa ra ví dụ về tỷ lệ ăn chia giữa CP (Content Provider - nhà cung cấp dịch vụ nội dung số) và doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam hiện còn quá nhiều bất hợp lý, dễ triệt tiêu doanh nghiệp nội dung, doanh nghiệp nhỏ.
“Ở nhiều nước, CP có thể chiếm tới 70 - 80% lợi ích, còn nhà mạng tạo ra môi trường thì chỉ nhận 20%. Tuy nhiên trong nước lại ngược lại, doanh nghiệp viễn thông có thể chiếm tới 70-80%. Kinh doanh như vậy sẽ không tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để cho doanh nghiệp nhỏ phát triển”, ông Chính nói.
Đồng quan điểm, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng trong một quốc gia, nếu các thành phần kinh tế tư nhân nhỏ không phát triển thì nền kinh tế sẽ không mạnh. Doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ thúc đẩy lĩnh vực kinh tế, lợi nhuận luôn cần thiết nhưng không phải là đầu tiên và đặt lên cao nhất.
|
Ông Nguyên Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC. |
Do đó doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước với nhiều lợi thế phải tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh chứ không phải cạnh tranh “diệt” hết doanh nghiệp nhỏ. Như thế không khác gì tự “chọc dao vào sườn”, triệt tiêu nhiều nguồn lực.
Cũng theo ông Nguyễn Trung Chính, đặt trong bối cảnh hiện nay, quan hệ giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn là mối quan hệ không thể tách rời để tiến đến hợp tác xây dựng một hệ sinh thái mạnh, cùng nhau phát triển.
“Nên nhớ, nếu doanh nghiệp lớn nếu đứng một mình thì trong thế giới hiện nay, khả năng tồn tại rất khó”, ông Chính nói. Nếu từng công ty đi riêng lẻ, không tham gia vào chuỗi giá trị nào, không tự xây dựng hệ sinh thái cho mình thì nguy cơ thất bại sẽ lớn và ngay cả công ty lớn cũng sẽ dễ bị loại bỏ khỏi thị trường.
Ví dụ như doanh nghiệp viễn thông lớn khai trương mạng 4G, tốn nhiều triệu USD, mà không có phương tiện khai thác, không có dịch vụ công nghệ mới đến từ sự hợp tác với doanh nghiệp nhỏ sáng tạo, mà vẫn phụ thuộc vào doanh thu và lợi ích từ các dịch vụ truyền thống như dịch vụ kết nối, thì sẽ càng ngày càng đi xuống và thất bại.
Theo Chủ tịch CMC, ngay cả những công ty viễn thông lớn trên thế giới hiện cũng đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang mô hình phát triển mới. Như AT&T, công ty này mua thêm các công ty về truyền thông, công ty về dịch vụ đám mây… và tập hợp được một nhóm các đối tác để xây dựng hệ sinh thái, để thu hút, khai thác và phát huy giá trị tài nguyên.
“Đối với CMC, chúng tôi đang tập hợp lực lượng không chỉ các công ty trong nội bộ mà cả đối tác bên ngoài, cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái. Nếu CMC xây dựng hệ sinh thái thành công, có được cộng đồng doanh nghiệp kết nối lớn thì giá trị hưởng lợi của thành viên từ hệ sinh thái sẽ rất lớn”, ông Chính chia sẻ.
Ví dụ hiện nay CMC đang xây dựng mạng xã hội có tên gọi “EmSV” để hướng tới đối tượng khách hàng tiềm năng là sinh viên, giáo viên… với khoảng 20 triệu người cùng hàng trăm doanh nghiệp tham gia, để cùng mở ra cơ hội phát triển.
Hay như trong kinh doanh Data Center (trung tâm dữ liệu), CMC xây dựng mô hình trở thành công ty cung cấp Data Center trung lập, không lệ thuộc vào bất kỳ nhà mạng nào, khách hàng hợp tác với CMC có thể kết nối với bất cứ ai mà họ muốn. Không đưa ra hành vi chèn ép, cản trở, thậm chí CMC có kế hoạch miễn phí cho các tổ chức, doanh nghiệp nhỏ tham gia.
“Cạnh tranh phải sạch, công bằng, lợi ích phải được chia sẻ cho tất cả các bên cùng phát triển. Đó là một trong những nguyên tắc của hệ sinh thái doanh nghiệp”, ông Nguyễn Trung Chính nói.
Theo ictnews