Chủ tịch VCCI: Đã đến lúc thoái vốn, thoái sức Nhà nước, nhường nguồn lực phát triển kinh tế cho khu vực tư nhân

Chủ tịch VCCI: Đã đến lúc thoái vốn, thoái sức Nhà nước, nhường nguồn lực phát triển kinh tế cho khu vực tư nhân

Đây là những chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 sắp diễn ra vào ngày 17/5


Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Tiến Lộc cho biết hiện có khoảng 500 – 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên khắp đất nước, trong đó, tuyệt đại đa số là các doanh nghiệp dân doanh, số lượng doanh nghiệp được thành lập gần đây cũng vậy.

Chủ tịch VCCI: Đã đến lúc thoái vốn, thoái sức Nhà nước, nhường nguồn lực phát triển kinh tế cho khu vực tư nhân

“Chúng ta nói đến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 chính là nói đến doanh nghiệp tư nhân. Họ sẽ chiếm đến 99,9% số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Ông cho biết đóng góp lớn nhất của khu vực này đối với nền kinh tế là tạo ra việc làm. Cụ thể, kinh tế tư nhân sử dụng 85% lao động, có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2003 – 2015 là 10,2%, đóng góp khoảng 39 – 40% GDP cho đất nước.

Chủ tịch VCCI cho rằng doanh nghiệp tư nhân phải được hiểu rộng ra là các hộ kinh doanh chứ không chỉ là doanh nghiệp tư nhân, và như thế, số lượng không chỉ là 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động mà sẽ là 1,6 triệu hộ kinh doanh đã đăng ký và 5 triệu hộ kinh doanh nói chung. Nghĩa là số lượng đang tồn tại rất đông đảo, trải rộng ra tất cả các lĩnh vực kinh tế.

Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp FDI chỉ tốn tại ở một số khu vực – gọi là quan trọng, hạn chế, chủ yếu tận dụng tài nguyên.

“Khác với các khu vực khác, khu vực kinh tế tư nhân phát triển theo chiều rộng rất bao trùm”, ông Lộc nói.

Về năng lực cạnh tranh, theo đánh giá, một bộ phận của khu vực kinh tế tư nhân có năng lực cạnh tranh khá cao, có thương hiệu, được ghi nhận và đã vươn ra tầm quốc tế. Nhưng tựu chung, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển vẫn chưa tương xứng, năng lực cạnh tranh tương quan trong khu vực vẫn còn thấp.

Xác định được tầm quan trọng, trong những năm trở lại đây, Chính phủ và nhà nước đã có những chính sách, những thông điệp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hỗ trợ cho khu vực này phát triển.

Nếu quay lại Đại hội lần thứ 12 của Đảng, có thể thấy, đấy là lần đầu tiên Nghị quyết của Đảng ghi rõ: doanh nghiệp tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế và có yêu cầu chính sách, biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ.

“Những câu diễn đạt rất đáng lưu ý tạo điều kiện thúc đẩy, phát triển, khuyến khích khu vực tư nhân, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên từ ‘khởi nghiệp’ được đưa vào Nghị quyết của Đảng. Tiếp đó là sự ra đời của Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 với những tác động không nhỏ đến khu vực kinh tế tư nhân”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Chủ tịch VCCI cho biết càng lúc, nền kinh tế Việt Nam càng “thấm” hơn vai trò của kinh tế tư nhân. Do đó, ông cho rằng đây là thời điểm cần tập trung nhiều nguồn lực cho khu vực này. Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước cần được thúc đẩy quá trình cổ phần hoá, thoái vốn, chỉ tập trung vào một số lĩnh vực then chốt, tạo điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân.

“Cải cách khu vực kinh tế nhà nước là vấn đề rất quan trọng, thông qua đó, khu vực tư nhân có thể tiếp cận được nguồn lực, tiếp cận được cơ hội kinh doanh đang bị nắm giữ”, ông Vũ Tiến Lộc nhận xét.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh không được hành chính hoá hệ thống phát triển doanh nghiệp, ít can thiệp sâu vào thị trường,… Bởi lẽ, nếu pháp luật quy định không đủ rõ thì dễ dẫn đến việc “nhà nước đứng ra làm tất cả”.

Nhấn mạnh việc, Chính phủ kiến tạo chứ không làm thay cho thị trường ông Lộc cho rằng, cần đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công... nhất là các dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Theo đó, bên cạnh việc thoái vốn, nhà nước cần thoái sức ra khỏi các dịch vụ công, tập trung kiến tạo thể chế...

Theo Trí thức trẻ

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang