Chuyển đổi số: Không thể chậm trễ

Chuyển đổi số: Không thể chậm trễ

Câu chuyện cạnh tranh giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ (Uber và Grab) sẽ là một minh chứng điển hình cho sự phát triển của công nghệ với các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số đang và sẽ tác động trực tiếp tới các mô hình kinh doanh truyền thống. 


Các hãng taxi và những lái xe ôm truyền thống đang phải đối mặt với sự lựa chọn hoặc thay đổi hoặc bị đào thải. Tất nhiên, nhu cầu cấp bách phải thay đổi này sẽ không chỉ của riêng các hãng taxi, của lĩnh vực giao thông vận tải mà còn ở nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề khác.

chuyen-doi-so-khong-the-cham-tre-15184358188141858116173-17-0-388-660-crop-15184358264831497256954.jpg

Taxi và xe ôm truyền thống đối mặt với lựa chọn: thay đổi hoặc bị đào thải.

Kỷ nguyên số hóa với sự xuất hiện nhiều loại hình công nghệ mới, nền tảng công nghệ thứ 3 gồm 4 công nghệ: Điện toán đám mây (Cloud), di động (Mobility), xã hội (Social) và dữ liệu lớn (Big Data) cùng với đó là các sáng kiến công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Thing (IoT), robotic... đã và đang làm tác động mạnh mẽ, làm thay đổi cơ bản phương thức quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời tác động mạnh mẽ tới lực lượng lao động các doanh nghiệp. 

IoT, Cloud, công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ blockchain sẽ trở nên phổ biến, xóa nhòa khoảng cách giữa các quốc gia và sẽ tạo ra những cách thức, mô hình kinh doanh mới. Theo các chuyên gia, sự thay đổi này đã diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực từ giáo dục, thương mại, sản xuất, chính phủ cũng như ngân hàng.

Cuộc chơi đã thay đổi

Những thay đổi do cuộc cách mạng số đã chạm đến cuộc sống của từng người theo những cách khác nhau. Đặc điểm chủ đạo của cuộc cách mạng này là kết nối, tốc độ và tái tạo mô hình kinh doanh. 

Theo đó những mô hình kinh doanh cũ được tái tạo lại trong một hệ sinh thái công nghệ thông minh. Những mô hình kinh doanh mới sinh ra với tốc độ nhanh, dựa trên kết nối số đã và đang hủy diệt những cách làm cũ. 

Uber, công ty vận tải lớn nhất thế giới mà không cần sở hữu phương tiện vận tải, đạt mốc 1 tỷ chuyến đi năm 2015 chỉ sau 6 năm thành lập (2009). Hiện Uber đã hiện diện ở trên 633 thành phố, đạt giá trị thị trường trên 50 tỷ USD.

Với những nền tảng công nghệ số, nếu như Windows đạt 1 tỷ người dùng sau 25 năm, thì Facebook chỉ cần 9 năm, và với WeChat là 6 năm. Airbnb hiện cũng là doanh nghiệp lưu trú lớn nhất hành tinh nhưng không sở hữu một nhà nghỉ hay khách sạn nào mà tất cả nhờ vào công nghệ và kết nối số. 

Nói về sự cấp thiết của việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, các chuyên gia cho biết, trong danh sách 500 các công ty hàng đầu thế giới, nhiều doanh nghiệp đã mất vị trí cạnh tranh trên thị trường. Các công ty hàng đầu trên thế giới hiện nay đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các công ty phát triển trên nền tảng kỹ thuật số.

Câu chuyện cạnh tranh giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ (Uber và Grab) đã thu hút sự chú ý không chỉ của dư luận, giới truyền thông mà còn các cơ quan quản lý. Các hãng taxi và những lái xe ôm truyền thống đối mặt với sự lựa chọn: thay đổi hoặc bị đào thải. Dù sự thay đổi diễn ra như thế nào, mọi việc sẽ không còn như xưa.

Các chuyên gia khẳng định, thực tế này đang xảy ra ở Việt Nam khi các doanh nghiệp taxi như Mai Linh hay Vina Sun... đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các công ty phát triển trên nền tảng thứ 3 như Uber hay Grab. Uber và Grab đang làm ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận các doanh nghiệp taxi truyền thống trong thời gian gần đây. Nếu tình trạng này tiếp diễn, chỉ trong vài năm tới, sẽ có những hãng taxi phá sản.

Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Novaon cho rằng: có những doanh nghiệp taxi đã đứng ngồi không yên khi trước đây tăng trưởng mấy chục phần trăm mỗi năm nhưng hiện nay đã tụt dốc không phanh, doanh thu sụt giảm... Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà toàn thế giới. 

Quá trình chuyển đổi số sẽ không chừa bất kỳ một doanh nghiệp nào. Có những doanh nghiệp nếu 5 năm tới không có phương án chuyển đổi mạnh mẽ thì không biết sẽ đi về đâu và có thể bị xóa sổ.

Theo các chuyên gia, công nghệ thông tin hiện nay là hạ tầng của hạ tầng, một yếu tố không thể thiếu với các ngành khác, các doanh nghiệp truyền thống chậm trễ trong việc thay đổi chính bản thân mình để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. 

Điển hình nhất chính là ngành taxi, ngành dịch vụ trải qua hàng trăm năm đã trở thành nạn nhân lớn của cách mạng số và nhiều ngành truyền thống khác cũng đang đi vào "vết xe đổ" của ngành taxi. 

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group chia sẻ: "2 năm trước, tôi đã đến gặp nhiều hãng taxi để trình bày, chỉ ra các nguy cơ của các công nghệ vận tải mới và đề xuất các hãng liên minh lại, xây dựng app chung nhưng không ai nghe. Đến nay, trước sự cạnh tranh bởi các công ty công nghệ, các hãng taxi nhận thức được nguy cơ thì lại làm sai, tư duy sai khi đồng loạt lập app, dẫn đến tình trạng loạn app mà không hiệu quả".

Hành trình chuyển đổi thành công

Các chuyên gia khẳng định, việc chuyển đổi số sẽ quan trọng hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp sẽ nhận được lợi thế cạnh tranh lớn nếu biết tận dụng những thế mạnh của công nghệ trong cuộc chuyển đổi số. 

Khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc cách mạng 4.0 thì tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ.

Trong bối cảnh số hóa, chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, các công nghệ mới, tự động hóa, robot... sẽ ứng dụng vào doanh nghiệp rất nhanh chóng. Hành vi của con người hiện cũng đã thay đổi nhanh bởi công nghệ mới. 

Do đó, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chuyển đổi kịp thì sẽ nhanh chóng bị thua, bị loại khỏi cuộc chơi. 

Các chuyên gia khẳng định, chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp nào và cũng không phải là việc có chuyển đổi hay không. 

Nó cũng không phải là việc đứng ngoài nhìn vào quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp khác mà học hỏi chuyển đổi sau. Nếu doanh nghiệp nào còn suy nghĩ này thì chỉ trong vòng 5 năm nữa có thể sẽ biến mất.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chuyển đổi như thế nào cho hiệu quả. Theo chia sẻ của ông Toàn, doanh nghiệp có thể bắt đầu quá trình hiện thực hóa doanh nghiệp số từ 5 bước. 

Thứ nhất là chuyển đổi từ nhà lãnh đạo trong việc có quyết định đầu tư theo hướng số hóa không? 

Thứ hai là chuyển đổi kênh tương tác khách hàng. 

Thứ ba là chuyển đổi dữ liệu thông tin số để tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. 

Thứ tư là chuyển đổi mô hình vận động của doanh nghiệp. 

Cuối cùng là chuyển đổi nguồn nhân lực trong doanh nghiệp. Một hành trình chuyển đổi số thành công khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ 5 bước này, từ đó có chiến lược, phân bổ nguồn lực, có lộ trình và ứng dụng các công nghệ phù hợp, đưa ra các mô hình đo lường.

Phân tích thêm về những yếu tố then chốt chuyển đổi số thành công trong doanh nghiệp, một số chuyên gia cho rằng, có nhiều yếu tố nhưng trước hết phải là nhận thức và sự quyết liệt của lãnh đạo. 

Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp là thay đổi phương thức sản xuất. Sự thay đổi này mang lại tiềm năng to lớn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng nhận thức được đầy đủ các cách thức để chuyển đổi số, thay đổi phương thức sản xuất thành công. Vì vậy, đối tượng cần phải nhận thức rõ nhất điều này là các CEO của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố quyết định sự thành công trong quá trình chuyển đổi số nhưng để triển khai ứng dụng được các công nghệ mới, con người - nguồn nhân lực số được coi là một trong những yếu tố trọng tâm, then chốt nhất. Trong cuộc cách mạng số, người thắng cuộc sẽ là người làm chủ nguồn dữ liệu lớn và có nguồn nhân lực số tốt.

Để đáp ứng những yêu cầu mới của chuyển đổi số, GS. Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản cho rằng, đào tạo nhân lực là việc làm bắt buộc và rất cấp thiết, là một trong những yếu tố kiên quyết để theo kịp môi trường chuyển đổi số cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Trần Anh, Phó tổng giám đốc khối khách hàng và đối tác chiến lược Microsoft Việt Nam cho rằng, công nghệ mới nổi như đám mây, phân tích và những công nghệ mới như AI và IoT sẽ cung cấp tiềm năng cho doanh nghiệp chuyển đổi số nhưng chuyển đổi chỉ diễn ra khi các doanh nghiệp đồng hành cùng nhân sự của họ.

Ngoài ra, chuyển đổi số không chỉ là việc ứng dụng công nghệ, chuyển từ anlalog sang số mà cả một quy trình chuyển đổi kinh doanh tận dụng trên nền tảng công nghệ thứ 3 để tạo ra các giá trị, mối quan hệ và mô hình kinh doanh mới. 

Đó là việc ứng dụng hiệu quả 4 nền tảng trụ cột công nghệ: điện toán đám mây, di động, xã hội và dữ liệu lớn; các sáng kiến công nghệ mới như AI, IoT, robotic... để tạo ra sự thay đổi số trong các doanh nghiệp. 

Bản chất của việc chuyển đổi số là sự thay đổi cả hình thức vận hành của doanh nghiệp để trở thành một doanh nghiệp thông minh, hiểu người dùng, tương tác được với người dùng theo một cách thức mới (theo thời gian thực, dữ liệu lớn, mobile), thậm chí phải tạo ra phương thức, mô hình kinh doanh mới (như Uber, Grab)...

Mặc dù trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp không tiến hành chuyển đổi số thì sẽ gặp phải những thách thức và chịu hệ quả không nhỏ trong cạnh tranh như với trường hợp của các hãng taxi với Uber.

Theo VnEconomy

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang