Xem xét lại định hướng lớn của toàn ngành
Xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam hiện chiếm khoảng 20% tổng sản lượng gạo của Việt Nam và chiếm khoảng 14% lượng gạo XK toàn thế giới. Trong đó, XK chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, chiếm đến 95% tổng lượng xuất khẩu.
Ảnh minh họa internet
Tuy nhiên tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2015, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, việc chú trọng mở rộng quy mô lúa gạo của Việt Nam như hiện nay đang tạo ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn tới sự phát triển bền vững của thị trường lúa gạo. Trong đó, giá gạo xuất khẩu ở mức thấp, bấp bênh; khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu (XK) gạo chất lượng cao; không hình thành được các thương hiệu gạo cho Việt Nam...
Còn theo ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, hạn chế nằm ở năng lực tìm hiểu xu hướng và đáp ứng nhu cầu thị trường của các DN trong ngành vẫn còn thấp, dẫn đến giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam không cao.
Hiện nay, việc XK gạo của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào những loại gạo chất lượng thấp (trắng dài, từ 5% tấm trở lên) chiếm đến hơn 40% sản lượng xuất khẩu, trong khi một số loại gạo thơm XK chỉ chiếm khoảng gần 15% sản lượng gạo xuất khẩu.
“Đã đến lúc, Việt Nam cần phải xem xét lại định hướng lớn của toàn ngành nhằm phù hợp với đặc điểm của thị trường lúa gạo thế giới và nâng cao hiệu quả ngành lúa gạo, tạo cơ sở phát triển ngành lúa gạo một cách bền vững”, ông Thành nhấn mạnh.
Tuân thủ "kỷ luật thị trường" mới mong thành công
Theo ông Nguyễn Đức Thành, phân tích cấu trúc thị trường lúa gạo thế giới cho thấy, trong dài hạn cung XK gạo có khả năng sẽ lớn hơn cầu. Bởi, nhiều quốc gia nhập khẩu gạo đang nỗ lực đầu tư mạnh cho ngành lúa gạo để sớm tự túc; một số quốc gia tiềm năng đang gia tăng năng suất trồng lúa; nhu cầu tiêu thụ gạo tại các quốc gia châu Á lại chuẩn bị đạt đỉnh và sẽ có xu hướng đi ngang hoặc giảm nhẹ từ năm 2030,…
"Trong trung hạn, mức độ cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu gạo có khuynh hướng tăng, do đó Việt Nam cần có chiến lược đầu tư nghiên cứu phát triển loại gạo chất lượng cao, có thương hiệu để tạo vị thế trên thị trường. Hiện Thái Lan, Pakistan – 2 trong số 5 nước XK gạo lớn nhất thế giới đã có chiến lược gạo chất lượng cao”, ông Thành nói.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, người nông dân phải tuân thủ "kỷ luật thị trường" (tức tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chí về phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật,...) thì gạo XK mới được giá cao.
"Người nông dân mà làm ăn theo kiểu "tài tử" với suy nghĩ tôi là nông dân, tôi là người tự do nhất nên muốn làm gì thì làm thì sẽ không bao giờ có những loại gạo đạt tiêu chuẩn XK hoặc XK với giá rất thấp", ông Doanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Huỳnh Thế Du cho rằng, cần tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa cho các nhà XK để đa dạng hóa thị trường XK; đồng thời, chấp nhận những đòi hỏi cao hơn trong XK, góp phần làm thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người nông dân, DN chế biến, xay xát,... của Việt Nam.
"Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cần được tổ chức lại để đảm bảo Hiệp hội phải có đại diện đầy đủ của DN tư nhân, chính quyền địa phương và nông dân, đồng thời vai trò của hiệp hội phải được nâng cao. Các quyết định của VFA phải kịp thời theo biến động của thị trường thế giới để bảo đảm quyền lợi cho DN và người nông dân", ông Du khuyến nghị thêm./.
Theo TCTC