Công nghệ 3D, trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra 'cuộc cách mạng' trong ngành thời trang và dệt may toàn cầu nhờ khả năng dự báo, tối ưu quy trình sản xuất.
Chỉ trong một thập kỷ, Eifini - một thương hiệu thời trang tại Trung Quốc - đã ghi nhận sự tăng trưởng không tưởng từ 300 lên 2.600 cửa hàng, với doanh thu tăng từ 20 - 30% mỗi năm.
Eifini thậm chí vượt qua "ông lớn" thời trang nhanh Zara về tốc độ sản xuất khi chỉ mất 7 ngày để biến ý tưởng thiết kế thành sản phẩm có mặt trên kệ, trong khi Zara cần đến 14 ngày.
Bí quyết cho sự tăng trưởng thần tốc là gì?
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Daniel Chan - nhà sáng lập Công ty xúc tiến thương mại Intereras - cho rằng một trong những yếu tố then chốt tạo nên thành công của Eifini chính là việc áp dụng công nghệ, đặc biệt trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo ông Daniel Chan, Eifini đã xây dựng một hệ thống số hóa toàn diện, bao quát mọi khía cạnh từ sản xuất, lưu kho, bán lẻ đến quản lý đơn hàng. Điều này giúp thương hiệu này giảm thiểu rủi ro sản xuất và duy trì được chiến lược kinh doanh tối ưu.
Một điểm đáng chú ý là ông lớn thời trang nhanh Trung Quốc này luôn giữ hàng tồn kho ở mức chỉ 2% - một con số rất thấp so với doanh thu khổng lồ.
Để đạt được điều này, ông Daniel Chan phân tích: "Eifini đã dành 300 trong số 2.600 cửa hàng trên toàn quốc để thử nghiệm các mẫu thiết kế mới. Tại những cửa hàng thử nghiệm, toàn bộ tương tác của khách hàng với sản phẩm từ thời gian dừng lại xem xét, sản phẩm nào được thử nhiều nhất, số lần thử bao nhiêu... đều được ghi lại".
Dữ liệu thu thập từ hệ thống ứng dụng AI cho phép Eifini phân tích và đo lường mức độ hài lòng của khách hàng với mỗi sản phẩm. Từ đó, thương hiệu này có thể xác định sản phẩm nào có tiềm năng bán chạy và quyết định sản xuất số lượng lớn những mặt hàng đó.
"Nhờ vào chiến lược này, Eifini không chỉ đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của thị trường mà còn tối ưu hóa quy trình sản xuất và phân phối, tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội trong ngành thời trang", Daniel Chan nói.
Dệt may Việt Nam tăng tốc ứng dụng công nghệ
Mặc dù chưa phát triển mạnh mẽ như các nước lớn, ngành dệt may Việt Nam đang nỗ lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 3D, robot hóa và đạt được những kết quả bước đầu khả quan.
Ông Võ Thành Phước - trưởng phòng phát triển sản phẩm tại Faslink - cho biết sau hơn ba năm triển khai, công nghệ 3D tại Faslink đã mang lại hiệu quả tích cực cho marketing và khâu sản xuất.
Ông Phước nói: "Hình ảnh 3D thu hút hơn so với 2D. Trong khâu thiết thế, công nghệ 3D giúp giảm đáng kể số lần sản xuất hàng mẫu.
Ban đầu việc giảm hàng mẫu chỉ đạt khoảng 30%, nhưng hiện nay đã tăng lên đến 50%, giúp tiết kiệm chi phí nhân công, nguyên vật liệu và thời gian đáng kể", ông cho biết.
Về ứng dụng AI, ông Phước cho hay trí tuệ nhân tạo chủ yếu được sử dụng trong thiết kế sản phẩm, giúp đội ngũ sáng tạo phát triển ý tưởng mới nhanh hơn thông qua phân tích và gợi ý các xu hướng thời trang, dự đoán về xu hướng màu sắc và thiết kế được yêu thích.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết một trong những thành công nổi bật của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian gần đây là việc ứng dụng công nghệ hiện đại như robot và AI, công nghệ 3D vào quy trình sản xuất.
Theo ông Giang, robot hóa hiện đang được áp dụng trong nhiều công đoạn của chuỗi sản xuất. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang dần thay thế lao động thủ công bằng robot, đặc biệt trong các công đoạn như vận chuyển hàng hóa đến dây chuyền sản xuất, treo sản phẩm trên dây chuyền, kéo sợi...
"Việc sử dụng robot không chỉ giảm lao động thủ công mà còn tăng cường tính ổn định và hiệu quả của quá trình sản xuất", ông Giang nhấn mạnh.
Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo AI ngày càng trở nên quan trọng trong việc phát triển các mẫu sản phẩm mới. Ông Giang cho biết AI giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ động hơn trong việc sáng tạo và sản xuất các mẫu.
Bên cạnh đó, AI cũng được ứng dụng trong quản lý hệ thống phần mềm, giúp tăng tính minh bạch và khả năng kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, từ sợi, dệt đến lưu trữ và vận chuyển hàng hóa.