Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Lời giải cho tăng năng suất lao động Việt Nam là ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số toàn diện, toàn dân và phát triển kinh tế số.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển Kinh tế số và Xã hội số Quốc gia lần thứ 2 được diễn ra tại Bình Dương với chủ đề "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động", ngày 14/11, tại phiên toàn thể của Diễn đàn, các đại biểu đều khẳng định, việc ứng dụng công nghệ số trong điều hành, sản xuất kinh doanh là xu thế tương lai của sự phát triển.
Vấn đề tăng năng suất lao động xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng trong đó kinh tế số phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%), cao gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, năm 2024 dự kiến đạt 18,6% và sẽ đạt 25% vào năm 2025 việc này nằm trong mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năng suất lao động luôn là chỉ tiêu mà nhiều năm, nhiều kỳ Đại hội, chúng ta chưa đạt được. Lời giải cho tăng năng suất lao động Việt Nam là ứng dụng công nghệ số, là chuyển đổi số toàn diện và toàn dân, là phát triển kinh tế số.
“Nếu như 55 triệu người lao động Việt Nam, mỗi người có một trợ lý ảo hỗ trợ công việc, thì năng suất lao động Việt Nam chắc chắn sẽ tăng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Nhiều ý tưởng mới đã được trình bày trong phiên toàn thể của Diễn đàn.
Còn theo ông Thái Thanh Quý, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, trong giai đoạn 2019 - 2023, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam đạt bình quân 9%/năm, đạt mức cao so với khu vực và trên thế giới, trong đó, một số ngành có tỷ lệ tăng trưởng năng suất lao động cao như: Nông nghiệp (16%); cung cấp nước, quản lý và xử lý nước, rác thải (14%); y tế và trợ giúp xã hội (11%); tài chính (10%)…
“Thực tiễn phát triển đã cho thấy, để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nền kinh tế số phải là động lực trọng tâm, giúp kích cầu, thúc đẩy đầu tư và nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây không chỉ là một xu thế, mà còn là một cơ hội lịch sử để Việt Nam chúng ta vươn lên, phát triển lực lượng sản xuất mới và xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững”, ông Thái Thanh Quý chia sẻ.
Còn tại Bình Dương, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, sau hơn 27 năm hình thành và phát triển, từ một vùng đất thuần nông, tỉnh Bình Dương quyết tâm đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tính đến nay, quy mô kinh tế của Bình Dương đạt 518.717 tỷ đồng, gấp hơn 132 lần so với năm 1997, GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.100 đô la Mỹ/người.
Với kinh tế tăng trưởng ổn định, hạ tầng công nghiệp và giao thông ngày càng hiện đại và đồng bộ, Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong kết nối vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Những thành quả đó đã làm cho tiềm lực, khả năng cạnh tranh, thương hiệu của Bình Dương ngày càng được nâng lên và trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây không chỉ là động lực mà còn là nền tảng để Bình Dương tiếp tục phát triển nhanh và mạnh hơn nữa trong kỷ nguyên số hóa.
Thời gian qua, Bình Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể để tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, với sự quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền và sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp.
“Bình Dương đang khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nền tảng số và các hoạt động thương mại điện tử, mở rộng thị trường và kết nối với các nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, bán dẫn cũng là ưu tiên chiến lược của Bình Dương”, ông Võ Văn Minh cho biết thêm.