Giữa thế kỷ 15, Thái úy Nguyễn Sư Hồi tìm đến vùng Cửa Xá lập đại bản doanh, giúp cư dân khai phá vùng đất mới. Sức người đã biến vùng đất mặn chát nước biển này thành những ngôi làng trù phú, khởi thủy cho địa danh Cửa Lò ngày nay.
Đền thờ Thái úy - Đô đốc Nguyễn Sư Hồi, người khai phá vùng đất Cửa Lò
Chiêu dân, lập làng
Sử liệu ghi: Khoảng năm 1469, Thái úy - Đô đốc Nguyễn Sư Hồi (con trai trưởng của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí) được giao chỉ huy lực lượng thủy quân làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển phía nam quốc gia Đại Việt, gồm 12 cửa lạch kéo dài từ cửa biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) vào đến Cửa Tùng (Quảng Trị).
Ông chọn vùng Cửa Xá cạnh làng Thượng Xá làm đại bản doanh. Cửa Xá là nơi con sông Cấm đổ ra biển. Bao bọc Cửa Xá là núi, như những bức tường thành tự nhiên che chắn cho vùng đất này. Tại đây, Nguyễn Sư Hồi bắt tay vào công việc tuần tra, xây dựng tuyến phòng thủ ven biển dài từ mũi Gươm đến đồn tiền tiêu. Ông huy động binh lính và cư dân trong vùng dùng thuyền chở đá từ dãy núi Hoàng Lao để xây dựng thành con đê chạy dọc đôi bờ sông Cấm ra tận mé biển. Tuyến phòng thủ này không chỉ có tác dụng ngăn sự xâm thực của nước biển mà còn là bức tường thành giúp cho sự phối hợp giữa thủy binh và bộ binh tốt hơn khi có giặc xâm phạm.
Trải qua hơn 500 năm, dấu tích của kè đá này nay vẫn còn dọc hai bờ sông qua các xã, phường của H.Nghi Lộc và TX.Cửa Lò. Lịch sử địa phương chép rằng trong thời gian trấn trị tại Cửa Xá, Thái úy Nguyễn Sư Hồi cũng rất quan tâm phát triển kinh tế, chiêu tập dân cư, dùng các tù binh để khai phát đất đai. Ông đã truyền dạy cho dân chúng cách làm nông nghiệp và ngư nghiệp. Nghề chài lưới, đánh bắt hải sản sau đó trở thành nghề mang lại sự phồn thịnh cho vùng đất này nhờ nguồn hải sản ở đây rất dồi dào. Để có phương tiện ra khơi, Nguyễn Sư Hồi cho tuyển người đóng tàu thuyền giỏi từ ngoài bắc vào để phục vụ sửa chữa và đóng mới tàu thuyền cho hạm đội. Nghề đóng tàu thuyền vẫn còn tồn tại và thành làng nghề nổi tiếng cho đến nay tại làng Vạn Lộc và Trung Kiên.
Hơn 30 năm trấn trị tại Cửa Xá, Thái úy Nguyễn Sư Hồi đã dồn hết tâm sức để xây dựng, phát triển vùng đất Cửa Xá, biến mảnh đất hoang thành một địa bàn dân cư sầm uất, có tên gọi là làng Hải Ngung. Vào khoảng năm 1493, làng Hải Ngung đổi thành làng Hải Giang, về sau đổi thành làng Vạn Lộc và duy trì tên gọi này cho tới năm 1945. Vạn Lộc được đặt với ý nghĩa “muôn lộc đổ về đây”.
Sau khi mất, Thái úy Nguyễn Sư Hồi được người dân địa phương lập đền thờ để thờ phụng và tôn ông là thần hoàng của làng. Nay đền thờ của ông nằm bên con sông Cấm thuộc P.Nghi Tân, TX.Cửa Lò. Từ xưa đến nay, cứ 3 năm 1 lần, đến các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, từ ngày mùng 8 đến hết ngày 12 tháng giêng, người dân địa phương lại tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động tế lễ, văn hóa, thể thao để tưởng nhớ đến ông. Không những thế, vùng đất Cửa Lò sau khi được khai phá từng sản sinh ra nhiều văn quan, võ tướng và nho y nổi tiếng. Cư dân nơi đây từng tự hào Cửa Lò là nơi “Văn giành đỉnh bút, võ chiếm đề đao, nền y học chưa nơi nào sánh kịp”.
Khai phá du lịch
Theo các thư tịch cổ và các tài liệu địa chất, vùng đất Cửa Lò được hình thành bởi sự bồi tụ của cát biển qua nhiều đợt biển tiến, biển lùi trong lịch sử. Trên những dải cát còn mặn chát nước biển, từ thế kỷ 15 đã hình thành nên các làng xã với cư dân dần đông đúc. Tên gọi Cửa Lò gây nhiều tranh cãi giữa các nhà địa danh học. Cuốn Cửa Lò - linh khí một vùng sông nước (Nhà xuất bản Nghệ An 2014) cho biết có một số học giả giải thích Cửa Lò xuất xứ là Kuala (từ gốc vùng Nam Đảo), có nghĩa là nơi con sông đổ ra biển. Tuy nhiên, theo các bậc túc nho và những người am hiểu về lịch sử vùng đất này, tên gọi Cửa Lò là hệ quả của sự biến âm Kẻ Lò mà thành. Bởi trước khi hình thành làng, xã, vùng duyên hải Nghi Lộc đã từng tồn tại nhiều vùng đất gọi là kẻ, như: Kẻ Áng (xã Nghi Quang ngày nay), Kẻ Đụn (xã Nghi Tiến)...
Đến năm 1907, sau khi phát hiện ra bãi cát thoải, độ mặn nước biển phù hợp, người Pháp đã cho xây dựng các nhà nghỉ ven biển Cửa Lò, đánh dấu bước ngoặt khai phá du lịch vùng đất này. Sau năm 1954, có thêm nhà nghỉ Công đoàn 3 tầng do Công đoàn tỉnh Nghệ An trực tiếp quản lý. Hồi đó, người dân địa phương gọi là “nhà mát”. Ngôi nhà này là biểu tượng của du lịch Cửa Lò vào những năm 60 của thế kỷ trước.
Cửa Lò được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp, nước biển sạch và độ mặt phù hợp, bãi cát mịn, dài, thoải, lưu trường dòng chảy phân bố tương đối đồng đều, ít xuất hiện giếng xoáy gây nguy hiểm. Tuy nhiên, Cửa Lò vẫn là “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Sau năm 1975, Cửa Lò vẫn là những bãi cát hoang sơ với những rặng phi lao vi vút gió.
Theo Thanh niên