Cuộc giao hòa thơ - họa và gốm

Cuộc giao hòa thơ - họa và gốm

Đời sống văn nghệ đã chứng kiến biết bao cuộc giao hòa giữa văn học và các loại hình nghệ thuật khác. Mới đây, họa sĩ Lê Thiết Cương đã tạo ra một cuộc gặp gỡ ấn tượng giữa thơ và họa trên gốm.


Ngoài mỹ thuật, họa sĩ Lê Thiết Cương còn là người yêu văn chương, đặc biệt là thơ ca. "Tôi đọc thơ rất nhiều, từ cổ chí kim, có những bài thơ, câu thơ khiến tôi bật khóc và mất ngủ. Tôi thích thơ kiểu mới và yêu những câu thơ hay chưa được nhiều người biết".
 

 


Còn nhớ năm 2013, Lê Thiết Cương đã thực hiện một cuộc triển lãm tranh cá nhân lấy cảm hứng từ những câu thơ hay mang tên "13", ghi dấu ấn ngoạn mục trong việc tạo "một cuộc đời khác" cho tác phẩm thơ. Nhiều người đã tưởng rằng đó chính là sự khởi đầu cho việc hình thành ý tưởng về dự án kết nối nghệ thuật thơ và họa trên gốm. Nhưng không phải thế, họa sĩ cho biết, anh ấp ủ ý định thực hiện dự án kết hợp giữa thơ và gốm từ 12 năm trước, khi ngấm câu thơ của Nguyễn Bình Phương: "Nguyễn Trãi bảo cuộc đời làm bằng dao và tre trúc". Lê Thiết Cương đã họa câu thơ đó trên một bình gốm nhỏ, đặt chúng trên chiếc bàn để hằng ngày có thể đọc lại. Càng đọc anh càng thấy ý thơ hay và ý tưởng dần hình thành qua mỗi ngày...

Họa sĩ Lê Thiết Cương đã đắn đo, trăn trở và bỏ nhiều thời gian để tạo cuộc giao hòa nhuần nhị mà với anh, đó không chỉ là việc viết câu thơ nào đó trên một bình gốm, mà như là chuyển ngữ câu thơ, bài thơ hay sang một ngôn ngữ khác, là hội họa trên mặt gốm truyền thống. "Để thơ trở thành hình, thành màu, thành đậm nhạt, thành mảng, thành nét, thành bố cục… hòa quyện với gốm. Thơ khi ấy có thêm đời sống khác, người đọc có cách thưởng thức khác và thơ được ở trong một không gian rộng mở hơn", họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Bên cạnh sự trợ giúp về tư liệu của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Lê Thiết Cương đã chọn lọc từng câu thơ của các thi sĩ Việt Nam mà anh cảm nhận được nhiều ý nghĩa, có sức gợi hình để có thể chuyển tải qua từng nét vẽ, hợp với độ cong của kiểu dáng bình gốm. Anh cũng cầu kỳ tìm kiếm cho được cơ sở vẫn làm gốm bằng lò nung củi truyền thống ở làng nghề Bát Tràng để tác phẩm của mình giữ được hồn cốt của cha ông. Và, may thay, anh gặp được nghệ nhân Phạm Anh Đạo - chủ nhân của nhiều tác phẩm gốm sứ thủ công tinh xảo. Chính nghệ nhân này đã trực tiếp cùng Lê Thiết Cương cho ra đời 40 tác phẩm thơ gốm độc bản.

40 tác phẩm là 40 màu vẻ và hình dáng, mang lại cho người xem một thế giới nghệ thuật sinh động và giao hòa. Những nét vẽ tinh tế theo phong cách tối giản xưa nay của Lê Thiết Cương tỏ ra ăn khớp lạ kỳ với thơ, tỏa sáng trên nền gốm giản dị. Thơ của những tác giả, thi sĩ nổi tiếng như Đặng Đình Hưng, Bằng Việt, Hoàng Trung Thông, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Đào Trọng Khánh, Nguyễn Quang Thiều, Du Tử Lê, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Thị Minh Thái, Thi Hoàng, Vi Thùy Linh… bỗng như được sống một cuộc đời khác, dưới một hình dạng khác sau khi đã được in trong tập sách nào đó, đã được đọc qua nhưng không dễ nhớ, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thú thật: "Có những câu thơ lạc khỏi tâm trí chính tác giả, mà Lê Thiết Cương đã trồng lại chúng trên miền đất gốm. Theo thời gian, chúng sẽ lớn lên, thành cổ thụ, thành vĩnh hằng". 

Chỉ kể ra đây một vài câu: "Con sinh ra sau chiến tranh/Chỉ biết mùi bom đạn/Khi những hôm trở trời/Vết thương cha đau nhức" (Trần Hoàng Thiên Kim), "Khép cửa đón anh vào đi/Bão giông ở lại phía sau rồi" (Đoàn Ngọc Thu), "Chiều vun nắng lại/Loang lổ một mình" (Khuất Bình Nguyên), "Những mảnh pha lê/Trong suốt/Sợ chính mình nhìn thấu vết rạn đau" (Huệ Triệu), "Tôi có khóc đâu mà gió ướt" (Thanh Tùng)… Đối với Lê Thiết Cương, thơ hay là những câu "không làm thơ, không làm chữ" vốn tự nó đã có sức bay bổng, làm nên giá trị.

Theo Hà Nội mới

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang