Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch XK 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XK toàn ngành da giày đạt gần 9,5 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017. Dự kiến trong năm 2018, XK da giày - túi xách sẽ đạt 19,5 tỷ USD, tăng 10 % so với năm 2017. Kết quả này có được một phần do cải thiện được xu hướng vào Mỹ - đối tác nhập khẩu hàng giày dép lớn nhất của Việt Nam.
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty CP Thời Trang Mai Nguyên. Ảnh: Khắc Kiên
Trong 6 tháng qua kim ngạch XK da giày Việt Nam vào thị trường này đạt 2,8 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2017; Kế đến là thị trường EU đạt 2,2 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2017. Cũng trong thời gian này các chỉ số phát triển của ngành da giày - túi xách tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp là 11,2%, cao hơn mức tăng của năm 2016 và 2017, ngành da giày đã chủ động được hơn 70% nguyên phụ liệu cho dòng sản phẩm trung bình và 50% cho dòng trung, cao cấp... Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo: Từ nay đến hết năm 2018 và những năm tiếp theo, hoạt động XK của ngành da giày Việt Nam tăng trưởng ổn định do còn nhiều dư địa xuất khẩu vào thị trường ASEAN, Đông Á và châu Đại Dương, Bắc Mỹ, châu Âu…
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam Diệp Thành Kiệt: Để tập trung cho các ngành công nghệ cao, hiện Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dệt may và da giày. Vì vậy, các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam chờ cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). “DN da giày đã chứng kiến rất nhiều đơn hàng từ Trung Quốc đã đổ về Việt Nam. Vấn đề đặt ra là các DN da giày Việt Nam làm gì để tận dụng cơ hội này cho sản phẩm Made in Việt Nam tăng kim ngạch XK” - ông Diệp Thành Kiệt phân tích.
Thách thức dần xuất hiện
Khi Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra (đầu tháng 7/2018), nhiều DN ngành da giày lo lắng bởi sẽ phải đối mặt với việc gia tăng nguồn cung sản phẩm khi các nhà mua hàng chuyển hướng đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Phó Giám đốc Công ty Giày Phong Châu (TP Hà Nội) Nguyễn Hữu Anh cho biết: “Việc DN nước ngoài, trong đó có Trung Quốc chuyển nhà máy sang Việt Nam hoạt động khiến DN Việt đối mặt với nguy cơ bị DN nước ngoài lợi dụng làm “bàn đạp” để chuyển hàng bán thành phẩm từ Trung Quốc về để thực hiện công đoạn cuối trước khi XK sang Mỹ.
Ngành xuất khẩu da giày Việt Nam sẽ bị "vạ lây" trong các vụ kiện phòng vệ thương mại do Mỹ khởi xướng. Nó như một cách mà Mỹ "đánh chặn" sản phẩm da giày từ Trung Quốc một cách gián tiếp vào Việt Nam có chủ đích để sản phẩm có xuất xứ “Made in Việt Nam” sau đó XK sang Mỹ”.
Chính vì vậy các DN ngành da giầy và Lefaso kiến nghị: Trong thời gian tới Chính phủ, Bộ Công Thương bên cạnh việc kiểm soát chặt nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc đổ vào ngành da giày cũng cần phải rà soát chặt các nhà máy có đăng ký vốn của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Qua đó tránh tình trạng các DN nhập bán thành phẩm da giày, sau đó làm một vài công đoạn sơ sài để hợp thức hóa nguồn gốc xuất xứ thành Made in Việt Nam trước khi XK sang thị trường Mỹ.
"Ngành da giày Việt Nam đã từng đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá với sản phẩm giày của EU khi EU cho rằng mặt hàng này đã có sự gia tăng xuất khẩu đột biến sau khi Trung Quốc bị EU áp thuế chống bán phá giá. Khả năng này hoàn toàn có thể lập lại với ngành da giày Việt Nam đối với thị trường Mỹ, nếu chúng ta không chủ động ngăn ngừa từ bây giờ" - Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn cảnh báo.
Đồng tình với những kiến nghị của Lefaso nhưng Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga đưa ra gợi ý: DN da giày Việt Nam bên cạnh việc đẩy mạnh XK cũng nên quan tâm đến thị trường trong nước. Với quy mô khoảng 5 tỷ USD/năm nhưng đang bị chi phối bởi sản phẩm nước ngoài hoặc DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam - thị trường nội địa là một thị trường khá lớn. Điều đó cũng sẽ giúp hạn chế phụ thuộc vào việc gia công sản phẩm cho DN nước ngoài.
Theo KTĐT