Để đưa thương hiệu Việt đi xa

Để đưa thương hiệu Việt đi xa

Ngược với làn sóng các thương hiệu quốc tế và khu vực ồ ạt đổ vào Việt Nam, hiện cũng đã có doanh nghiệp trong nước đưa các sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài qua hình thức nhượng quyền. Những bước chân đang khá lẻ loi và chầm chậm này nếu được hỗ trợ đúng mức sẽ có thể đi nhanh hơn, xa hơn.


Bánh mì, gỏi cuốn vượt biển...

Vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Mặt Trời Đỏ (RedSun ITI), đơn vị đang sở hữu hàng loạt thương hiệu như Thai Express, Khao Lao, King BBQ... đã chính thức đưa chuỗi nhà hàng Truly Việt đến Úc. Truly Việt do RedSun ITI liên doanh với một đối tác ở Úc đã ra mắt nhà hàng đầu tiên tại thành phố Melbourne và hiện có bốn món Việt Nam gồm gỏi cuốn, phở, bánh mì và bún chả trong thực đơn. Theo ông Lê Vũ Minh, Phó tổng giám đốc RedSun ITI, các món này được điều chỉnh đôi chút nhằm phù hợp với khẩu vị của khách hàng bản địa. Đồng thời với việc đưa thương hiệu Truly Việt sang Úc, RedSun ITI cũng lập liên doanh với đối tác Lào để phát triển chuỗi nhà hàng King BBQ tại đây. Tuy nhiên, King BBQ, dù do RedSun ITI tự phát triển nhưng lại chuyên về ẩm thực Hàn Quốc.

97682_nha_hang_namnam.jpg

Thực tế đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp hiện thực hóa được mong muốn đưa sản phẩm, mô hình kinh doanh mang thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài bằng con đường nhượng quyền. Ảnh: Minh Tâm

Trước RedSun ITI, Công ty Gói & Cuốn, chủ sở hữu thương hiệu Wrap & Roll, đã nhượng quyền thương hiệu nhà hàng bán món ăn Việt Nam này ở Singapore cho đối tác MSJ Gourmet Group (hiện đã có bốn điểm). Vào cuối năm 2017, Công ty cổ phần Ẩm thực Chảo Đỏ - tên mới của Gói & Cuốn - đã khai trương nhà hàng nhượng quyền thứ hai tại Thượng Hải (Trung Quốc), nâng tổng số nhà hàng nhượng quyền ở khu vực châu Á lên con số 6. Chảo Đỏ ký hợp đồng nhượng quyền với đối tác Weilamei Shanghai và mở nhà hàng đầu tiên vào tháng 7-2017 với vốn đầu tư khoảng 150.000 đô la Mỹ/một điểm.

Việc hợp tác với Weilamei Shanghai được công ty này đánh giá là mở ra một bước ngoặt mới cho Wrap & Roll khi tiến quân vào đất nước đông dân nhất thế giới, bắt đầu ở Thượng Hải để làm bàn đạp tiến sâu vào các thành phố Bắc Kinh, Thành Đô, Hàng Châu của Trung Quốc, cũng như nhắm đến các thị trường khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong năm nay, Chảo Đỏ đặt mục tiêu có từ 10-12 nhà hàng nhượng quyền tại nước ngoài, và đến năm 2021 thì có mặt ở năm quốc gia ngoài Việt Nam.

Thực tế đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp như RedSun ITI hay Chảo Đỏ hiện thực hóa được mong muốn đưa sản phẩm, mô hình kinh doanh mang thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài bằng con đường nhượng quyền. Theo số liệu thống kê được cập nhật đến thời điểm hiện tại trên trang web của Bộ Công Thương thì chỉ mới có một vài thương hiệu như “Phở 24”, “Cafe Bobby Brewers”, sản phẩm giày, dép, túi xách da mang thương hiệu “T&T”, “The coffee bean & tea leaf” cùng “Iced blended”...

Qua nhượng quyền, các sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu nội địa sẽ được xuất khẩu thông qua hệ thống với giá trị cao hơn rất nhiều lần so với việc chỉ bán nguyên liệu thô chưa qua chế biến hay bán sức lao động giá rẻ như lâu nay.

Tiềm năng lớn cho tất cả

Trong chuyến công tác mới đây tại Singapore, phóng viên TBKTSG đã đến nhiều trung tâm thương mại ở nhiều phân khúc, phục vụ nhiều cộng đồng dân cư khác nhau và thấy nhà hàng chuyên món Việt Nam không ít. Người bạn sinh sống tại Singapore cho biết, có những nhà hàng như Nam Nam ở trung tâm thương mại Singapura thường xuyên đông đúc, thực khách phải xếp hàng chờ đến lượt phục vụ. Trong số này, có nơi do người Việt Nam mở, có nơi do người bản địa mở, và có những điểm là hình thức nhượng quyền. Ngoài các món ăn đã được chế biến, khách hàng còn có thể mua thêm nhiều sản phẩm làm nguyên liệu như nước mắm, tương ớt, bún khô...

Chị Nguyễn Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty Nanna’s, một doanh nghiệp vừa được thành lập tại Singapore và có kế hoạch nhượng quyền mô hình nhà hàng món ăn truyền thống Việt Nam, đánh giá rằng thị trường rất tiềm năng. Theo chị Nhung, cơ hội không chỉ bởi món ăn Việt Nam được lòng người nước ngoài mà còn bởi bất kỳ mô hình nào (từ quy mô kiosk đến nhà hàng) hay món ăn nào (từ các loại bánh, món nước đến món khô) cũng đều có thể phát triển được. Người dân Singapore sử dụng dịch vụ ăn uống bên ngoài rất nhiều (do bận rộn, gia đình ít người, nên ăn ngoài rẻ hơn tự nấu nướng), các khu food court (khu vực ăn uống trong các trung tâm thương mại) ở khắp nơi, nằm trên đường di chuyển của người dân bằng tàu điện ngầm. Hiện chị Nhung đang hoàn thiện các mặt để đưa thương hiệu Nanna’s kinh doanh tại nước ngoài.

Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia bán lẻ và nhượng quyền quốc tế, khẳng định bất kỳ mô hình, sản phẩm nào, từ đồ ăn đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đều có thể ra thế giới bằng con đường nhượng quyền. Có thể nhượng quyền các mô hình nhà hàng ẩm thực sang các nước trong khu vực, có thể xuất khẩu dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến các nước đã phát triển... Đây là cách để xuất khẩu giá trị, thương hiệu, đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam thay vì liên tục mua thương quyền từ nước ngoài như thời gian qua.

Chuyện không chỉ của doanh nghiệp

Ông Troy Franklin, Giám đốc tác nghiệp của World Franchise Associates (WFA), cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam thành công hoàn toàn có thể ra thế giới. Việc đầu tiên là cần chắc chắn mình có thực sự muốn như vậy hay không. Sau đó là trả lời hàng loạt câu hỏi tiếp theo như kinh doanh có lời không? đối thủ cạnh tranh là ai?... Quan trọng nhất là phải hiểu rõ về việc cam kết, bởi nhượng quyền tức là “đẻ” thêm một đứa con ở các nước, phải “hứa” chăm sóc suốt đời. “Những vấn đề về mô hình, về quản trị... theo tôi chỉ là vấn đề kỹ thuật, không khó thực hiện”, ông Troy nói tại hội thảo trong khuôn khổ sự kiện “Shop & Store 2018” diễn ra mới đây.

Theo ông Lê Vũ Minh, Phó tổng giám đốc RedSun ITI, muốn ra thế giới thì chắc chắn phải mạnh ở Việt Nam. Có như vậy mới đủ tiềm lực, khả năng hỗ trợ đối tác ở nước ngoài khi có vấn đề. Ký hợp đồng cũng giống như ký vào tờ giấy kết hôn và phải cam kết trong suốt thời gian hôn nhân đó phải yêu, tin, chân thật và minh bạch với nhau. Bản thân RedSun ITI, khi đưa hai thương hiệu sang Lào và Úc đều lập liên doanh với đối tác và hỗ trợ mọi việc, kể cả việc đưa nhân sự sang làm việc trong ba tháng.

Còn theo bà Nguyễn Phi Vân, để có thể đưa thương hiệu Việt ra thế giới thì việc đầu tiên là doanh nghiệp phải có tham vọng này. Tiếp theo là phải hiểu người tiêu dùng tại quốc gia mình có ý định đến, biết rõ đối thủ trong ngành đang phát triển như thế nào. Nhưng hơn thế, trong thời đại công nghệ thay đổi chóng mặt và có thể mang lại lợi thế cho người đi sau, phải biết xây dựng một nền tảng (platform) để trên nền tảng này có thể phát triển nhiều sản phẩm và dịch vụ khác nhau cho cùng một đối tượng khách hàng.

“Đã qua rồi thời bán một sản phẩm. Thời đại 4.0 thì sản phẩm chỉ là mồi nhử để bán các dịch vụ khác. Chẳng hạn, bán cà phê thì có thể làm dịch vụ cà phê cho các bữa tiệc, cà phê cho nhu cầu hàng ngày. Nếu không làm được tất cả mọi thứ thì có thể liên kết với những người khác để cùng khai thác hết tiềm năng một khách hàng. Nếu tư duy như vậy thì bạn sẽ là ông lớn tiếp theo khi biết nghĩ lớn, làm nhỏ và làm tốt”, bà Phi Vân nêu ý kiến.

Tuy nhiên, theo bà Vân, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp thì Nhà nước cũng phải bước cùng bằng những hỗ trợ thiết thực với tư duy mang tầm quốc gia. Theo đó, cần nhận thức một cách đầy đủ về vai trò của ngành nhượng quyền với nền kinh tế đất nước. Qua nhượng quyền, các sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu nội địa sẽ được xuất khẩu thông qua hệ thống với giá trị cao hơn rất nhiều lần so với việc chỉ bán nguyên liệu thô chưa qua chế biến hay bán sức lao động giá rẻ như lâu nay. Các quốc gia trong khu vực, ví dụ như Malaysia đã chọn nhượng quyền là ngành chủ đạo để nâng cao giá trị xuất khẩu thương hiệu quốc gia và có hẳn một chiến lược bài bản, chi tiết để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện bước đi này.

Đồng thời, cần hỗ trợ về thông tin, pháp lý cho doanh nghiệp trong việc ra thế giới lẫn mua nhượng quyền từ nước ngoài về, tránh những mất mát, tổn thất do ngộ nhận. Bên cạnh đó, cũng cần có những quy định trong ngắn hạn về tỷ lệ hàng hóa, nguyên liệu có nguồn gốc Việt Nam để các doanh nghiệp có nền tảng, quy tắc tuân theo trong thời gian thực hiện.

Quan trọng hơn là cần phải thực hiện ngay bởi không còn nhiều thời gian khi chính phủ các nước đã có những bước đi vững chắc từ 4-5 năm trước. Việc chuẩn bị sớm, sẵn sàng này của các nước là lý do tạo ra làn sóng đổ bộ của các thương hiệu khu vực vào Việt Nam trong năm 2016-2017 vừa qua và sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. “Nhà nước cần nghiên cứu tác động của ngành nhượng quyền đến nền kinh tế để có chiến lược rõ ràng, chương trình thiết thực. Nhượng quyền là cách nuôi dưỡng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, động lực của nền kinh tế lớn mạnh. Nếu có được điều này thì trong ba năm, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có được những mô hình, thương hiệu đủ mạnh để xuất khẩu bền vững”, bà Vân nói. 

Đóng góp của ngành nhượng quyền vào nền kinh tế

Bà Nguyễn Phi Vân dẫn số liệu thống kê cho thấy nhượng quyền thương mại đang đóng góp to lớn vào nền kinh tế của các quốc gia. Chẳng hạn, tại Mỹ, nhượng quyền chiếm 7% GDP (tổng sản phẩm quốc nội). Tại Canada là gần 10% GDP và ngành này xếp thứ hai về tạo việc làm, tức cứ 14 người thì có một người làm việc trong ngành nhượng quyền (trực tiếp hoặc gián tiếp). Tại Úc, nhượng quyền chiếm 9% GDP và số lượng chi nhánh nhượng quyền trên đầu người cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, 92% thương hiệu nhượng quyền tại Úc là thương hiệu nội địa.

Ở khu vực Đông Nam Á, số liệu thống kê năm 2016 cho thấy nhượng quyền đang đóng góp 4,3% GDP tại Malaysia và quốc gia này đặt mục tiêu tăng lên 9,4% vào năm 2020. Đây là lý do Chính phủ Malaysia tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ nâng cấp mô hình để xuất khẩu và coi đây là chiến lược của nền kinh tế.

Với Nam Phi, nhượng quyền là nền tảng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện đang đóng góp 9,7% GDP.

 

Theo TBKTSG 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang