Dệt may tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh

Dệt may tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh

Bởi: Lý Gia Trang

Dệt may được đánh giá là một trong những ngành phát triển mũi nhọn, với kim ngạch xuất nhập khẩu lớn. Tuy nhiên nhưng chi phí sản xuất, chi phí nhập khẩu và vận chuyển khá cao khiến giá thành sản phẩm tăng, giảm tính cạnh tranh khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp.

Nguồn:BCSI

Nhiều giải pháp hữu hiệu được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp giảm chi phí logistics để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp dệt may” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) được tổ chức mới đây tại Hà Nội nhằm giúp các doanh nghiệp dệt may tăng cao lợi nhuận.

Kết quả hình ảnh cho doanh nghiệp dệt may

Giảm chi phí logistics để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp dệt may

Trong những năm qua, kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng dệt may luôn đứng trong top đầu sản phẩm hàng hóa của Việt Nam với trên 1 triệu tấn bông, 2 triệu tấn xơ sợi và hàng trăm ngàn container vải, nguyên phụ liệu, hàng may mặc mỗi năm, vì vậy chi phí logistics khá lớn.

Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu dệt may sang Mỹ và Brazil 4,63 triệu m2 sản phẩm và nhập khẩu trở lại 1,01 triệu tấn bông. Tuy nhiên, để xuất và nhập khẩu 2 mặt hàng này, các doanh nghiệp dệt may thường tự tìm doanh nghiệp logistics, mạnh ai nấy làm. Do vậy, các container chỉ có hàng 1 chiều xuất hoặc nhập, chiều còn lại đều là container rỗng khiến chi phí vận chuyển tăng cao.

Do đó, muốn nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước thì các doanh nghiệp thành viên của VITAS và VLA cần tăng cường liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như giảm kinh phí vận chuyển và giảm thời gian giao hàng.

Theo ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội logistics Việt Nam, nếu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt đến 30 tỷ USD/năm, thì chi phí logistics đã chiếm đến 2,79 tỷ USD, cùng với chi phí vận chuyển khác là 1,70 tỷ USD. Đây là con số không hề nhỏ, sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam, nhất là trong bối cảnh ngành đang phải cạnh tranh với một số quốc gia mới phát triển mạnh như: Campuchia, Ấn Độ, Bangladesh…

Ngoài ra, theo ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Vitas, chi phí logistics của Việt Nam hiện cao hơn các nước trong khu vực, cụ thể so với Thái Lan cao hơn 6%, Trung Quốc 7%, Malaysia 12% và cao gấp 3 lần Singapore. Nguyên do, quy định về phí và lệ phí của Nhà nước về logistics còn ở mức cao.

Trước những bất cập trên, ông Đặng Vũ Thành cũng khuyến cáo: Đặc thù của ngành dệt may là có tới 80% DN sản xuất gia công, có quy mô vừa và nhỏ. Các DN có thể xem xét tới khả năng mua chung nguyên phụ liệu nhằm giảm chi phí vận chuyển. Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn mua nguyên phụ liệu nhỏ lẻ nhiều nên không tận dụng được tối đa khả năng giảm chi phí. Cùng đó thay đổi tập quán kinh doanh, chuyển nhập khẩu nguyên phụ liệu từ hình thức CIF (DN vận chuyển chủ động đàm phán cước quốc tế, nhà sản xuất chỉ nhận hàng), sang hình thức FOB (nhà sản xuất chủ động chỉ định dịch vụ vận chuyển và cước quốc tế). Điều này giúp cho DN kiểm soát được giá thành, chi phí, thời gian và bảo đảm kế hoạch sản xuất.

Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may nếu thay đổi việc sử dụng nhiều nhà cung cấp nguyên phụ liệu nhỏ lẻ bằng 1 nhà cung cấp lớn, có thể cung cấp tất cả các dịch vụ theo cơ chế 1 cửa cũng sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm giá thành.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may khi xuất hàng vẫn chưa kết hợp được việc nhập luôn nguyên phụ liệu về hoặc khi nhập nguyên phụ liệu về lại chưa kết hợp với việc xuất hàng đi.

Theo đại diện VLA, để giảm bớt chi phí logistics, trong thời gian tới, các hội viên của VITAS cần nắm rõ bản chất và khái niệm của từng loại phí liên quan để xác định mức độ phù hợp. Do đó ông cũng đưa ra ‎ kiến nghị để doanh nghiệp xuất nhập khẩu dệt may và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hợp tác với nhau nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của cả hai phía.

Điều đó cho thấy việc tiết giảm chi phí cho ngành dệt may Việt Nam không chỉ từ những thay đổi của chính sách mà còn cần những giải pháp linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp.

BCSI
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang