Doanh nghiệp bán lẻ “nội” tìm hướng đi riêng

Doanh nghiệp bán lẻ “nội” tìm hướng đi riêng

Trước việc doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài liên tục đầu tư khai thác thị trường bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng đã có những cách đi riêng để giữ thị phần. Một trong những cách đó là xây dựng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi bám sát khu dân cư, hoặc phát triển hệ thống cửa hàng tại thị trường nông thôn để tạo sự đối trọng với hệ thống bán lẻ nước ngoài.


 

 

 

 

 

4-(3).jpg
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm “nội” tại một siêu thị của Hapro.  Ảnh: Hoài Nam

Áp lực từ doanh nghiệp “ngoại”

Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đang chiếm khoảng 17% thị phần bán lẻ hiện đại, khoảng 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi và tiếp tục mở rộng thị phần qua hoạt động mua bán - sáp nhập. Sau khi đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên (năm 2015), nhà bán lẻ Aeon Mall (Nhật Bản) đã liên kết với BIM Group (Việt Nam) đầu tư trung tâm thương mại thứ 2 tại Hà Nội với số vốn lên đến 200 triệu USD. Khi trung tâm thương mại này đi vào hoạt động năm 2019, Aeon Mall sẽ có 5 trung tâm thương mại tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD. Theo Tổng Giám đốc Aeon Mall Konishi Yukio, thời gian tới Aeon sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống bán lẻ, dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động 20 trung tâm thương mại trên khắp 3 miền. 

Cùng với Aeon Mall, Tập đoàn bán lẻ Lotte Hàn Quốc cũng đã có kế hoạch đến năm 2020 sẽ mở 60 siêu thị mới tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD. Trong năm 2016, các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan như Berli Jucker, Central Group cũng đã đầu tư cả tỷ USD để thâu tóm toàn bộ hệ thống bán lẻ Metro, BigC... Từ tháng 9-2016 đến nay, Tập đoàn đa quốc gia H&M trong lĩnh vực bán lẻ sản phẩm thời trang (Thụy Điển) đã liên tục khai trương cửa hàng kinh doanh thời trang tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trước đó, nhãn hiệu thời trang Zara (Tây Ban Nha) cũng đã khai trương cửa hàng đầu tiên. Điều đó cho thấy doanh nghiệp bán lẻ nội địa ngày càng đối mặt với nhiều thách thức và cạnh tranh khốc liệt hơn khi doanh nghiệp nước ngoài mở rộng đầu tư vào thị trường này.

Chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có thế mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu. Do đó, họ có thể áp đảo doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, doanh nghiệp "nội" lại rất khó khăn về vốn, điều kiện sản xuất, hệ thống phân phối nhỏ lẻ…

Bám sát khu dân cư

Trước việc doanh nghiệp bán lẻ "ngoại" liên tục đầu tư khai thác thị trường bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ Việt cũng đã có những cách đi của riêng mình để giữ thị phần.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, một trong những hướng đi được nhiều doanh nghiệp Việt áp dụng là xây dựng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi bám sát khu dân cư, hoặc phát triển hệ thống cửa hàng tại thị trường nông thôn để tạo ra đối trọng với hệ thống bán lẻ nước ngoài. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng khẳng định, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần tận dụng tốt các cơ hội để nắm bắt thị trường, nhanh chóng tạo lập, phát triển hệ thống chuỗi, đại lý ở các địa phương; kết nối với các nhà cung cấp và trở thành nhà phân phối cho nhiều nhà sản xuất nhằm tạo kênh hàng hóa phục vụ cao nhất cho nhu cầu xuất khẩu và thị trường trong nước. Hiện, Hapro chủ trương phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích bám theo khu vực dân cư và tiếp tục phát triển thương hiệu Hapro ra các khu vực dân cư mới, khu vực ngoại thành; tập trung phát triển thị trường nông thôn, coi đây là khu vực thị trường chiến lược trong thời gian tới.

Thông tin từ Tập đoàn Vingroup cũng cho thấy, sau hơn 2 năm đầu tư hiện hệ thống cửa hàng tiện ích VinMart hoạt động như một siêu thị mini đã lên con số 1.000. Dự kiến đến hết năm 2017, hệ thống VinMart sẽ đạt con số 1.500 cửa hàng tại 30 tỉnh, thành phố.

Tương tự, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, Saigon Co.op xác định tiếp tục mở rộng hệ thống Co.opmart, Co.opFood là những hệ thống có quy mô vừa và phục vụ khách hàng số đông; tiếp tục liên doanh với các đối tác để triển khai những mô hình lớn như đại siêu thị Co.op Xtra, khu phức hợp Vivo City. Trong liên doanh này, Saigon Co.op xác định nguyên tắc xuyên suốt với đối tác là phần bán lẻ siêu thị, đại siêu thị phải là độc quyền Saigon Co.op...

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, để tạo sức mạnh cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước cạnh tranh với doanh nghiệp "ngoại", Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đã đề xuất Chính phủ thành lập một tập đoàn bán lẻ trên cơ sở “bắt tay” của 4 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam gồm Saigon Co.op, Tập đoàn Phú Thái, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn và Hapro, với doanh thu đến 4-5 tỷ USD/năm.

Việt Nam có thị trường bán lẻ đầy tiềm năng, nhưng doanh nghiệp "nội" chưa khai thác được hết thế mạnh. Việc xây dựng chiến lược và quy hoạch mạng lưới bán lẻ, siêu thị thời gian qua chủ yếu mang tính tự phát, vì vậy Nhà nước và các cơ quan chức năng cần hoạch định chính sách cụ thể để xây dựng mạng lưới bán lẻ phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ mặt bằng kinh doanh siêu thị; chính sách tài chính, tín dụng; chính sách khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài,... để giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển hệ thống quy mô lớn, chuỗi siêu thị Việt Nam.
 

Theo HNO 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang