Hầu hết doanh nghiệp cho rằng, tăng trưởng là nền tảng cốt lõi của sự thịnh vượng. Để tạo dựng nền tảng này, 85,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận là một trong những mục tiêu chính của doanh nghiệp. Để tăng trưởng trong ít nhất 2 năm tới, 76,2% doanh nghiệp dự tính sẽ tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm/dịch vụ, 52,4% lựa chọn cải thiện chất lượng nhân lực và 42,9% quyết tâm cải thiện mô hình quản trị doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, có 89,5% số doanh nghiệp cho rằng, tác động lớn tới sự phát triển và góp phần đưa doanh nghiệp trở nên thịnh vượng là tính minh bạch trong kinh doanh.
Một trong những chiến lược được nhiều doanh nghiệp thực hiện là chuyên sâu vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Theo TS. Lê Thanh Tùng thuộc Trường đại học Tôn Đức Thắng và nhóm nghiên cứu báo cáo thường niên 2017 doanh nghiệp lớn Việt Nam, chiến lược này được áp dụng bởi một số tập đoàn kinh tế quốc doanh trong bối cảnh nhiều tập đoàn cần cơ cấu lại sau khi rơi vào tình trạng thua lỗ trong giai đoạn 2008 - 2010.
Các tập đoàn bắt đầu thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài mảng kinh doanh cốt lõi, đồng thời sắp xếp lại theo hướng chuyên sâu vào lĩnh vực cốt lõi. Điển hình thành công là Viettel và Saigon Co.op, với việc tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đồng thời cải tổ công tác quản trị và thực hiện giám sát minh bạch.
Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ, thực hiện chiến lược phát triển chuyên sâu vào lĩnh vực cốt lõi là truyền tin và công nghệ viễn thông, Viettel đã vươn lên trở thành công ty viễn thông và công nghệ thông tin có quy mô lớn nhất Việt Nam, không những thế còn được đánh giá là một trong những công ty viễn thông có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và nằm trong Top 15 công ty viễn thông toàn cầu về số lượng thuê bao.
“Viettel đang tiến hành đầu tư kinh doanh tại 9 quốc gia trên thế giới, với tổng lượng thuê bao hơn 26 triệu khách hàng, doanh thu năm 2015 đạt trên 10 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế hơn 2 tỷ USD”, ông Hùng cho biết.
Với Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chia sẻ, để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành trung tâm ô tô, linh kiện, phụ tùng hàng đầu khu vực ASEAN, Thaco tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là sản xuất ô tô, đồng thời đẩy mạnh mảng logistic và phân phối.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác lựa chọn chiến lược gia tăng thị phần trong nước thông qua việc mở rộng kênh phân phối, củng cố sức mạnh thương hiệu. Nỗ lực nâng cấp kênh phân phối đã và đang được thực hiện tại các doanh nghiệp nhà nước như May Việt Tiến hay Saigon Co.op, cũng như khu vực tư nhân với các “đại gia” trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2017 như Thegioididong, FPT, Vingroup, Vinamilk. Đây là những điển hình cho thấy sự thành công trong việc mở rộng hệ thống phân phối, gia tăng thị phần trong nước đi liền với sự gia tăng mức lợi nhuận hàng năm lên tới hàng chục phần trăm.
Bên cạnh những chiến lược kinh doanh đóng vai trò chủ chốt, hầu hết các doanh nghiệp lớn cho rằng, không thể thiếu các hỗ trợ của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh và chính sách giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, vươn lên lớn mạnh. Trong đó, 3 nội dung được các doanh nghiệp tập trung đề xuất là cải thiện môi trường pháp lý, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm lãi suất tín dụng.
Theo Tin nhanh chứng khoán