Doanh nghiệp thờ ơ thương hiệu gạo quốc gia

Doanh nghiệp thờ ơ thương hiệu gạo quốc gia

Sau một thời gian dài tuyển chọn, thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam đã được xác lập và đang tiến hành đăng ký bảo hộ quốc tế. Thế nhưng, khi được hỏi về kế hoạch sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam trong chiến lược kinh doanh của mình, không ít doanh nghiệp tỏ ra khá thờ ơ.


Cách đây hơn một năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam. Cuộc thi này là một trong những nội dung của đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó.

doanh nghiep tho o thuong hieu gao quo c gia

Nhiều điều kiện ràng buộc

Đến nay, kết quả cuộc thi sáng tác logo thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam đã có, dự kiến sẽ công bố vào tháng 7 tới. Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam của Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết thêm hiện thương hiệu gạo Việt Nam đang làm thủ tục bảo hộ quốc tế.

Để thực hiện bảo hộ, Việt Nam đã nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu quốc tế đến hệ thống Madrid - hệ thống được xây dựng trên cơ sở Nghị định thư Madrid và Thỏa ước Madrid. Cả hai văn bản này đều thiết lập một quy trình hành chính cho phép việc đăng ký thương hiệu ở nhiều quốc gia chỉ thông qua việc sử dụng một đơn đăng ký thương hiệu duy nhất. Do có sự tham gia của đa số các nước nên đây được xem là phương thức đăng ký bảo hộ toàn cầu.

Bên cạnh việc xác lập và bảo hộ quốc tế thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam, ông Tùng cho biết, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành những quy định liên quan về việc sử dụng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Theo đó, Quyết định số 1499/QĐ-BNN-CBTTNS 2018 về ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam đã quy định nhiều điều kiện mà doanh nghiệp cần đáp ứng. Chẳng hạn, tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư có nội dung đăng ký hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm gạo; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về chế biến, bảo quản, kinh doanh gạo; giấy chứng nhận sản phẩm gạo phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam...

Quyết định của Bộ NN&PTNT cũng quy định các sản phẩm gạo được mang nhãn hiệu quốc gia gạo Việt Nam gồm có gạo trắng (hạt dài và hạt ngắn), gạo trắng thơm (hạt dài và hạt ngắn) và gạo nếp trắng. Sản phẩm gạo phải đảm bảo các yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia. Cụ thể, đối với gạo trắng phải đáp ứng TCVN 11888:2017; gạo thơm trắng là TCVN 11889:2017 và gạo nếp trắng là TCVN 8368:2010. Trường hợp khi có thay đổi về tiêu chuẩn thì phải đáp ứng theo tiêu chuẩn mới nhất.

Theo Quyết định 1499 nói trên, tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu gạo quốc gia kèm nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, quảng cáo và các giấy tờ giao dịch khác cho sản phẩm gạo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; được khai thác, sử dụng và hưởng các lợi ích kinh tế phát sinh từ nhãn hiệu chứng nhận; được tham gia các chương trình quảng bá, phát triển nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam trên các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ: chỉ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các loại sản phẩm gạo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu; đảm bảo chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận và duy trì, bảo vệ, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu; thông báo đến đơn vị quản lý nhãn hiệu chứng nhận khi không còn nhu cầu sử dụng; nộp chi phí theo quy định cho hoạt động cấp và duy trì hiệu lực giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu…

Doanh nghiệp thờ ơ

Trao đổi với TBKTSG, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết doanh nghiệp ông đã nhận được hướng dẫn sử dụng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam. Tuy nhiên, ông Bình nói rằng ông vẫn “không để ý lắm” vì theo ông, nó cũng không ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp. “Mình xuất khẩu thì cứ xuất khẩu, còn gắn thêm logo thì chưa chú ý vì tác động từ thương hiệu này mang lại không biết như thế nào”, ông nói.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát, nói rằng ông chưa quan tâm vì xét thấy chưa đơn vị nào bán được gạo với thương hiệu của Việt Nam. Hiện nay doanh nghiệp ông cũng chưa gặp khách hàng nào quan tâm đến thương hiệu gạo. “Những đơn vị làm gạo thơm, gạo đặc sản có thể quan tâm thương hiệu, nhưng còn tôi chủ yếu làm gạo trắng thông dụng nên không quan tâm lắm. Mặt khác, trong lĩnh vực này, hiện nay tôi đang co cụm lại”, ông Tuấn giải thích.

Trong khi đó, ông Lưu Minh Đức, nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Trung Thạnh, lại lo lắng. Theo ông Đức, việc sử dụng chung thương hiệu gạo có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng cũng được cấp và sử dụng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam. Đặt trường hợp gạo mang thương hiệu Việt Nam của doanh nghiệp này xuất khẩu bị thị trường cảnh báo thì khi đó có thể cả doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc nhưng do sử dụng chung thương hiệu nên cũng bị “vạ lây”.

Một chuyên gia ngành nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long nhận định việc xây dựng và bảo hộ quốc tế thương hiệu gạo Việt Nam là cần thiết, nhằm xác lập hình ảnh nhận diện về gạo Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố quyết định và duy trì sự phát triển của một thương hiệu được quyết định bởi chất lượng của sản phẩm, vì vậy việc nâng cấp chất lượng sản phẩm gạo Việt Nam là công việc cần sớm thực hiện.

Vị chuyên gia này cũng đặt ra vấn đề cần lưu ý, giả sử có 100 doanh nghiệp đăng ký sử dụng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam với 100 sản phẩm được sản xuất từ 100 loại giống lúa khác nhau, thì liệu có điều gì tạo ấn tượng để người tiêu dùng khi sử dụng sẽ nhớ ngay? “Nếu hôm nay, khách hàng A ra cửa hàng B mua gạo thương hiệu Việt Nam do doanh nghiệp C sản xuất về ăn cảm thấy rất ngon và muốn mua tiếp. Thế nhưng, khi khách hàng A ra cửa hàng D cũng mua gạo thương hiệu Việt Nam, nhưng do doanh nghiệp E sản xuất và cảm thấy không ngon bằng, dù tất cả đều đáp ứng điều kiện và được cấp chứng nhận mang thương hiệu Việt Nam. Vậy phải xử lý như thế nào?”, vị này nêu giả thiết và gợi ý nên chọn một số loại giống nhất định để sản xuất ra thương hiệu gạo Việt Nam.

Ông Hồ Quang Cua, nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng - tác giả của bộ giống lúa ST nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long - nhấn mạnh, muốn xây dựng thương hiệu gạo thành công, việc đầu tiên cần giải quyết là giống. “Phải có được bộ giống tốt, phù hợp, rồi mới nói đến chuyện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu”, ông Cua nói.

Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, Quyết định số 1499 của Bộ NN&PTNT chỉ quy định sản phẩm gạo mang nhãn hiệu chứng nhận gồm gạo trắng (hạt dài và hạt ngắn), gạo thơm trắng (hạt dài và hạt ngắn) và gạo nếp trắng, chứ không tập trung vào một nhóm giống nhất định nào. Vì vậy, vị chuyên gia nêu trên lưu ý nên xem xét vấn đề này. Điều gì sẽ giúp người tiêu dùng nhớ đến gạo Việt Nam khi có quá nhiều chủng loại sản phẩm được sử dụng thương hiệu quốc gia, và như vậy liệu thương hiệu này sẽ phát triển bền vững?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang