Doanh nghiệp tự “bơi”, hàng Việt khó vào chuỗi phân phối nước ngoài
Doanh nghiệp tự “bơi”, hàng Việt khó vào chuỗi phân phối nước ngoài
Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ, kết nối hiệu quả của các cơ quan chức năng với các mạng lưới phân phối nước ngoài.
Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ, kết nối hiệu quả của các cơ quan chức năng với các mạng lưới phân phối nước ngoài.
Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, nhưng phần lớn là qua khâu trung gian, xuất khẩu trực tiếp chiếm tỷ lệ rất thấp. Để nâng cao giá trị hàng hóa, nhiều doanh nghiệp Việt đang đưa hàng hóa vào mạng lưới phân phối nước ngoài. Đây cũng được xem là một hình thức xuất khẩu khá hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên hình thức này đang gặp không ít khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước.
Công ty CP Xuất nhập khẩu Khánh An mỗi năm xuất khẩu sang châu Âu, Hàn Quốc, Singapore các sản phẩm tôm sú đông lạnh trị giá 150 triệu USD tương đối thuận lợi. Doanh nghiệp này đang muốn tham gia vào các mạng lưới phân phối nước ngoài của Central Group (Thái Lan), Auchan (Pháp)... để có thể bán với giá tốt hơn và đa dạng kênh phân phối, thay vì xuất khẩu qua các nhà phân phối trung gian.
Tuy nhiên, để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các tập đoàn phân phối nước ngoài thì doanh nghiệp cần được cơ quan chức năng hỗ trợ kết nối trực tiếp, vì các tiêu chuẩn, quy định cụ thể về chất lượng, bao bì, mẫu mã của mỗi mạng lưới phân phối có sự khác nhau.
Việc đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Công Trạng, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Khánh An cho biết, doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu nhưng tiêu chí chất lượng không phải là lo ngại, doanh nghiệp cần cơ quan chức năng tổ chức các buổi kết nối cụ thể để doanh nghiệp biết các tiêu chí, từ đó có cơ hội đưa hàng vào các kênh siêu thị nước ngoài.
Bởi theo ông Trạng, từ sự kết nối này, doanh nghiệp có thể nắm bắt những yêu cầu cụ thể của từng mạng lưới phân phối để cải tiến quy trình sản xuất, đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và có chiến lược dài hơi.
Ngoài các việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về hàng hóa, một số tập đoàn phân phối nước ngoài cũng yêu cầu các điều kiện về trách nhiệm cộng đồng xã hội, yếu tố bảo vệ môi trường… Điều này chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam chú trọng đúng mức, vì thế trong quá trình sản xuất, kinh doanh mặc dù có tham gia thực hiện tốt nhưng rất ít lưu giữ hồ sơ, khi cần bổ sung mất rất nhiều thời gian.
Một khó khăn nữa là phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nguồn vốn cũng hạn chế. Trong khi đó, nhiều mạng lưới phân phối nước ngoại có quy định gối đầu vốn thời gian khá dài, từ 30-90 ngày và mức chiết khấu cao, từ 20-35% nên đây cũng là khó khăn của doanh nghiệp sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã Lâm San ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai - đơn vị xuất khẩu mỗi năm hơn 1.000 tấn tiêu qua châu Âu, hiện đang xúc tiến đưa hạt tiêu vào mạng lưới phân phối này cho rằng, việc chiết khấu lớn cũng là cản trở cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia mạng lưới phân phối nước ngoài.
“Tỷ lệ chiết khấu từ 22-30% là quá lớn trong khi một số tập đoàn phân phối cho gửi hàng hóa đợt 1 đến đợt 2 mới chuyển tiền. Các hệ thống siêu thị nước ngoài cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần có chính sách khách với doanh nghiệp lớn”, ông Luân nói.
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020”. Trên cơ sở này, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp Việt với các nhà bán lẻ nước ngoài, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới phân phối nước ngoài.
Cụ thể là tập huấn về quy trình quản lý, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, thủ tục xuất nhập khẩu vào thị trường nước ngoài của các nhà bán lẻ. Đặc biệt là cung cấp thông tin và kết nối doanh nghiệp với các nhà phân phối, nhằm giúp tìm kiếm cơ hội cho doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp lâu dài và bền vững.
Hiện nay, các đơn vị như Central Group, AEON, Auchan... phối hợp với Bộ Công thương đang tổ chức các buổi tập huấn cho các doanh nghiệp có kế hoạch đưa hàng vào mạng lưới phân phối này. Riêng tại TP HCM, từ đầu năm đến nay, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) đã hỗ trợ hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị AEON Việt Nam. Từ nay đến cuối năm, cơ quan này tiếp tục kết nối doanh nghiệp với Central Group. Tuy nhiên, khi hàng hóa đã vào được kênh siêu thị nước ngoài, các doanh nghiệp cũng có nhiều điều cần lưu ý.
Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Xúc tiến thương mại Công ty Central Group Việt Nam lưu ý, các doanh Việt Nam thường không tập trung vào điểm mạnh của sản phẩm. Khi sản phẩm lên kệ phải có thông điệp rõ ràng, bao bì bắt mắt dễ thu hút khách hàng. “Nếu làm được điều này thì đó là một thành công của sản phẩm được vào mạng lưới phân phối nước ngoài. Bởi trong siêu thị cùng 1 mặt hàng có rất nhiều sản phẩm cạnh tranh”, ông Paul Le khuyến cáo.
Nhiều ý kiến cho rằng, để hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu qua mạng lưới phân phối nước ngoài, các doanh nghiệp phải thay đổi cách thức sản xuất, chủ động tìm hiểu nhu cầu của người mua để đáp ứng. Không thể cứ như cách làm lâu nay, doanh nghiệp cứ sản xuất hàng, khi đem tiêu thụ mới biết yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Để làm được điều này, không chỉ bản thân doanh nghiệp cố gắng là đủ mà rất cần sự hỗ trợ, kết nối hiệu quả của các cơ quan chức năng với các mạng lưới phân phối nước ngoài, doanh nghiệp “tự bơi” thì rất khó./.
Theo VOV
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI