Mọi người giờ đây có thể tự đặt xe, vé máy bay, lên lịch trình chuyến đi hay đặt phòng khách sạn chỉ với vài thao tác đơn giản qua chiếc điện thoại thông minh. Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện thị trường du lịch trực tuyến trong nước đang bị bỏ ngỏ.
Du lịch trực tuyến là xu thế tất yếu. (Ảnh: kt).
80% thị phần du lịch trực tuyến VN thuộc các công ty quốc tế
Thống kê của Hiệp hội Thương mại Điện tử cho thấy, các thương hiệu dịch vụ du lịch toàn cầu như Agoda.com, booking.com, Traveloka.com... đang chiếm thị trường Việt Nam với 80% thị phần. Trong khi đó, mới có khoảng 10 công ty Việt Nam có kinh doanh du lịch trực tuyến như: Ivivu.com, mytour.vn, chudu24.com, tripi.vn… Thế nhưng, các công ty này cũng chỉ phục vụ thị trường khách trong nước, với số lượng giao dịch không nhiều.
Ông Vũ Thế Bình cho biết, hiện ngành du lịch có khoảng 30.000 - đến 35.000 doanh nghiệp. 100% các doanh nghiệp du lịch đã quan tâm sử dụng internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ thông tin trong đại đa số các doanh nghiệp du lịch mới dừng ở mức cơ bản, chưa khai thác được tối ưu các lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh, thu hút khách hàng cũng như trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2017, Việt Nam đón được 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016 và phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa. Lần đầu tiên, Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Mặc dù đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng sự phát triển của ngành du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng khi sản phẩm chưa hấp dẫn, chất lượng dịch vụ chưa cao, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu.
Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, năm 2020 Việt Nam sẽ thu hút được từ 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp 10% GDP. Tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD và tạo ra khoảng 4 triệu việc làm gồm 1,6 triệu việc làm trực tiếp.
Để đạt được mục tiêu, ngành du lịch phải có giải pháp đột phá tạo đà tăng tốc, trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin được cho là một giải pháp bắt buộc.
Cần tăng cường số hóa và chia sẻ dữ liệu
Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, để tận dụng thành công cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0, ngành du lịch, mà cụ thể là các doanh nghiệp du lịch cần phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi số mạnh mẽ.
Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: các doanh nghiệp du lịch cần phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi số mạnh mẽ. (Ảnh: Vân Anh)
"Khi khách du lịch tới Việt Nam, hoặc khách Việt Nam du lịch tới các vùng mới, họ không biết ở vùng này sẽ phải đi đâu. Có những chỗ nào để ở. Khách sạn nào tốt. Nhà hàng nào ăn ngon hay danh lam thắng cảnh nào cần phải xem. Hiện nay, tất cả các thông tin đó được số hóa trên các ứng dụng có thể cài đặt lên điện thoại di động. Như vậy, khách hàng có đầy đủ thông tin phục vụ cho chuyến du lịch của mình. Việc áp dụng chuyển đổi số như vậy thuận lợi cho khách hàng và cũng rất cần thiết cho các công ty du lịch", ông Phạm Đại Dương nói.
Bà Kelly Strzepek, chuyên gia phụ trách đổi mới sáng tạo Đại sứ quán Australia cho rằng, sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi thị trường du lịch trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng với sự vươn lên của kinh doanh du lịch trực tuyến. Tuy nhiên, thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam làm du lịch thông minh là phải số hóa được quy trình kinh doanh của mình.
Bà Kelly Strzepek nhấn mạnh, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đi tắt đón đầu hay có bước nhảy vọt về du lịch nếu có thể tạo ra các chương trình có bản sắc riêng thông qua việc tận dụng công nghệ. Đây là việc ngành du lịch Việt Nam cần nhanh chóng bắt tay thực hiện.
Du lịch thông minh là chủ lực
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng thừa nhận hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ du lịch lớn của Việt Nam đang có trong tay lượng dữ liệu "khổng lồ" về điểm đến, sản phẩm, khách hàng, khả năng cung ứng dịch vụ của các điểm đến... nhưng lại chưa có sự kết nối để tăng cường dịch vụ du lịch.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam. (Ảnh: Vân Anh)
"Ngành văn hóa thể thao và du lịch, nhất là du lịch xác định du lịch thông minh sẽ là sản phẩm chủ lực để tiến vào cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, cởi mở về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào nhiều loại hình sản phẩm, đặc biệt là du lịch thông minh, ứng dụng các công nghệ mới nhất cho phát triển du lịch. Đồng thời, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà cung cấp dịch vụ cần tăng cường kết nối để tận dụng được lượng dữ liệu đã có", ông Hà Văn Siêu nói./.
Theo VOV