Doanh nghiệp Việt đứng ngoài chuỗi đồng giá
Doanh nghiệp Việt đứng ngoài chuỗi đồng giá
Siêu thị, cửa hàng tiện lợi… đang phải chia sẻ khách hàng với chuỗi cửa hàng đồng giá ngoại đang trụ khá vững ở thị trường Việt Nam.
Siêu thị, cửa hàng tiện lợi… đang phải chia sẻ khách hàng với chuỗi cửa hàng đồng giá ngoại đang trụ khá vững ở thị trường Việt Nam.
Daiso là một trong những chuỗi cửa hàng đồng giá của Nhật Bản đã có mặt ở nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Việt Nam... Tại Hàn Quốc, Daiso phục vụ các món đồ dùng nhỏ trong gia đình, thức ăn nuôi cá, chuồng thú, đồ làm bếp... với mức đồng giá 1.000 won (tương đương khoảng 20.000 đồng). Tới Việt Nam, chuỗi đồng giá Daiso có giá 40.000 đồng/sản phẩm và chỉ 30%-40% hàng hóa có nguồn gốc Nhật Bản, song vẫn thu hút lượng khách nhất định.
Đa dạng, dễ lựa chọn
Ngay từ khi mới xuất hiện, người tiêu dùng Việt đã ý thức được rằng những chuỗi đồng giá với cái tên mang âm điệu tiếng Nhật tràn vào Việt Nam như Daiso, Miniso... không phải sẽ mang đến 100% sản phẩm nguồn gốc Nhật Bản. Tại Daiso, nhiều sản phẩm được nhập về từ Trung Quốc, Đài Loan và có một phần nhỏ hàng Việt Nam. Trong khi tâm lý tránh hàng Trung Quốc đang dần lan rộng tại các đô thị thì việc người tiêu dùng ghé Daiso mua hàng chứng tỏ chuỗi này không chỉ thu hút bởi cái tên của nó mà mức độ phong phú của sản phẩm.
Chị Hoài Thương (quận Đống Đa, Hà Nội) nhận xét: "Daiso bán nhiều món đồ mà khó tìm được ngoài thị trường. Mức giá 40.000 đồng/sản phẩm là khá hợp lý và việc ghi rõ xuất xứ Trung Quốc hay Nhật Bản, Thái Lan... giúp khách hàng dễ lựa chọn. Chẳng hạn, ở gian trưng bày tẩy (gôm) học sinh, đồ của Trung Quốc màu sắc bắt mắt hơn, số thanh nhiều hơn còn của Nhật thì màu nhã hơn, thanh nhỏ và ít hơn. Nhờ đó, khách hàng có thể chọn mua theo nhu cầu".
Cửa hàng đồng giá của nước ngoài khai thác tốt thị trường Việt Nam Ảnh: Tấn Thạnh
Ở chuỗi cửa hàng đồng giá khác có tên Miniso, gần như 100% hàng hóa được cho là thiết kế bởi người Nhật nhưng sản xuất tại Trung Quốc. Miniso vốn là thương hiệu được sáng lập bởi nhà thiết kế Nhật Bản Miyake Jyunya và nhà điều hành Trung Quốc Ye Guofu. Vì vậy, hàng hóa của thương hiệu "Nhật lai Trung Quốc" này được khoác tấm áo danh giá hơn hàng Trung Quốc đơn thuần và thu hút khách hàng hơn. Song, không hẳn nhờ dính dáng tới Nhật Bản mà hàng hóa tại Miniso được tiêu thụ ở mức khá. Thực tế, cách bài trí cửa hàng, mẫu mã hàng hóa có những đặc trưng riêng và nhiều mặt hàng có chất lượng khá.
Đối thủ được Tập đoàn Central Group (Thái Lan) tung ra nhằm so kè với Daiso là chuỗi Komonoya cũng với mức đồng giá 40.000 đồng/sản phẩm được đặt tại hệ thống siêu thị Big C. Điểm tương đồng với các chuỗi khác là tại Komonoya, trong hàng ngàn chủng loại sản phẩm, cũng ghi nhận khá nhiều hàng hóa xuất xứ Trung Quốc.
Chấp nhận lỗ 10% mặt hàng
Kinh doanh cửa hàng đồng giá tuy không phải là ý tưởng của người Việt nhưng đã được người Việt học theo từ cách đây hơn chục năm với những cửa hàng quy mô nhỏ, mức giá thấp (5.000-10.000 đồng/sản phẩm) để hút khách. Tuy nhiên, do các món hàng được lựa chọn có mức giá thấp nên không lấy được niềm tin của khách hàng về chất lượng. Hơn nữa, do sản phẩm chủ yếu là đồ dùng học sinh, đồ lưu niệm, kẹp dây, buộc tóc… và chỉ phù hợp với khách hàng từ 7-17 tuổi (còn phụ thuộc cha mẹ về tài chính) nên phương thức kinh doanh này sớm thoái trào.
Chuỗi đồng giá ngoại tấn công thị trường Việt Nam với chiến lược bài bản, thương hiệu được chăm chút, hàng hóa đa dạng, có phong cách riêng... đã thay thế được các cửa hàng nhỏ lẻ của ông chủ nội địa. Trả lời báo chí, đại diện Daiso Việt Nam cho biết chiến lược của chuỗi này là lựa chọn sản phẩm theo nguyên lý 10% lượng hàng có giá trị bằng hoặc lớn hơn giá bán, 90% mặt hàng có giá vốn thấp hơn giá trong cửa hàng. Tức là chấp nhận lỗ trên 10% sản phẩm để thu lãi từ doanh số bán 90% còn lại. Cùng đó là chiến lược gia tăng số lượng cửa hàng để thu lợi trên doanh số lớn. Đây là điều mà các cửa hàng đồng giá nhỏ lẻ trong nước chưa áp dụng.
Một chuyên gia từng làm việc tại Sở Công Thương Hà Nội chỉ ra thực tế chất lượng hàng Việt vẫn còn thấp, mẫu mã kém cạnh tranh so với hàng Trung Quốc, Thái Lan. Ở phân khúc hàng chất lượng cao, người Việt lại chưa làm ra được những sản phẩm có giá thành phải chăng. Do vậy, việc chen chân vào bất cứ chuỗi bán hàng nào, không riêng chuỗi đồng giá, đều gặp khó. Hơn nữa, cũng theo chuyên gia này, các chuỗi đồng giá ngoại khi vào Việt Nam tất nhiên phải ưu tiên hàng hóa của nước họ và hàng hóa từ các quốc gia có trình độ sản xuất cạnh tranh. Chỉ riêng với điều này, hàng Việt đã thua cuộc.
"Việc Tập đoàn Central Group (Thái Lan) sau khi thâu tóm chuỗi siêu thị Big C đã đưa Komonoya về hệ thống siêu thị này và Daiso bày bán 100% sản phẩm có nhãn phụ với nội dung "phân phối bởi Công ty TNHH Aeon Việt Nam" cho thấy đây còn là sân sau của các tên tuổi bán lẻ lớn của nước ngoài để giành giật thị phần. Trong cuộc chiến này, hàng Việt yếu thế, như trứng gà Ba Huân đã có lúc bị xếp ở kệ dưới cùng của một siêu thị" - vị chuyên gia này phân tích.
Khai thác thị trường ngách
Tại TP HCM, mô hình cửa hàng đồng giá Nhật Bản đã xuất hiện khoảng 10 năm nay. Ngoài những thương hiệu đã có mặt từ những ngày đầu như Daiso, Hachi Hachi, gần đây xuất hiện thêm chuỗi Komonoya (do tập đoàn Central Group - Thái Lan nhượng quyền từ Nhật và đưa vào khai thác ở Việt Nam). Bên cạnh các cửa hàng riêng lẻ nằm ở những vị trí trung tâm hoặc gần trường học, các chuỗi cửa hàng đồng giá này còn chọn thuê mặt bằng ở các trung tâm thương mại, siêu thị như SC VivoCity, Vincom, Lotte Mart, Big C, Co.opmart… để mở điểm bán. Trung bình mỗi cửa hàng đồng giá bán khoảng 3.000-5.000 sản phẩm, lúc cao điểm nhập hàng có thể lên đến 10.000 sản phẩm với mức giá duy nhất là 40.000 đồng/sản phẩm nên thu hút được lượng khách nhất định.
Vừa mua hơn 1 triệu đồng ở cửa hàng Daiso ở Vincom Mega Mall Thảo Điền, chị Nguyên, nhân viên một hệ thống siêu thị lớn ở TP HCM, cho biết chị là khách hàng thường xuyên của các cửa hàng tiện lợi vì thích những sản phẩm "độc, lạ" bày bán ở đây. Theo chị Nguyên, những món đồ nho nhỏ để trang trí, dùng trong bàn ăn hay hộp đựng thức ăn trong tủ lạnh, thiết bị gia đình, đồ dùng làm đẹp, thiết bị làm vườn, văn phòng phẩm… thiết kế bắt mắt, ít "đụng hàng", dù sản xuất tại Nhật Bản, Trung Quốc hay Việt Nam.
Đại diện một chuỗi cửa hàng đồng giá cho biết mô hình cửa hàng đồng giá rất khó phát triển rộng như cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini nhưng vẫn có thể sống được nếu khai thác hiệu quả thị trường ngách. Vì tất cả mặt hàng cùng được bán một giá nên việc kinh doanh hàng đồng giá tại Việt Nam cần tính toán rất kỹ lưỡng về tỉ lệ hàng hóa, tỉ lệ lỗ/lãi phù hợp trên nguyên tắc thu lợi nhuận từ số lượng lớn. P.AN
Theo NLĐ
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI