Doanh nghiệp Việt: Tụt hậu vì ‘thờ ơ đến lạ kỳ’ với công nghệ số?

Doanh nghiệp Việt: Tụt hậu vì ‘thờ ơ đến lạ kỳ’ với công nghệ số?

Theo đánh giá từ nhóm thực hiện Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, "nếu phát triển kinh tế số tốt, Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuận tiện hơn với các mức chi phí thấp. Bởi, công nghệ mới với tính đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng kết nối và phân phối hiệu quả hơn đồng thời giảm thiểu chi phí về hậu cần và giao dịch."


Thời gian qua, xu thế số hóa đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán, vận chuyển, y tế, giáo dục…, cùng với sự phát triển đó khái niệm “nền kinh tế số” cũng được đề cập rất nhiều trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng.

Doanh nghiệp thờ ơ… đến lạ kỳ

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ - VCCI, Việt Nam có tổng dân số 90 triệu dân, trong đó hơn 50 triệu người đang dùng internet (đứng thứ 5 châu Á – Thái Bình Dương) và khoảng 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Trong môi trường đó, một số doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng… đã vận dụng được cơ hội và đạt được những kết quả đáng khích lệ đồng thời đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế số.

“Hiện, Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đang hoạt động và được quốc tế đánh giá là một quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số,” bà Hằng cho biết.

Thông qua trao đổi trực tuyến, doanh nghiệp có nhiều hơn các cơ hội mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh cũng như quảng bá hình ảnh. Hơn thế, họ còn có thể xây dựng uy tín với khách hàng khi thực hiện tốt các dịch vụ sau bán hàng, về phía người người tiêu dùng thì không có gì bằng là được mua sắm trên phạm vi toàn cầu với cùng mặt bằng về giá.

Những lợi ích kể trên là quá rõ ràng. Trong xã hội, mọi người đều nhìn nhận ra cách mạng công nghệ 4.0 với những tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp cũng như những cơ hội tốt mà nó mang lại.

Song hiện thực lại không song hành với “nhận thức,” Báo cáo của VCCI đưa ra con số cho thấy một sự thờ đến kỳ lạ của số đông các nhà quản trị doanh nghiệp trong nền kinh tế, khi mà chỉ có 22% doanh nghiệp cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến công ty họ, ngược lại 32,7% cho biết nó chưa có tác động gì.

“Vốn suy nghĩ ra sao thì hành động như vậy”, vì vậy Báo cáo này đã chỉ ra một thực tế rất đáng lo ngại, đó là chỉ có 6,6% doanh nghiệp cho biết có đủ nguồn lực để thay đổi hệ thống công nghệ từ cũ sang mới và 36% doanh nghiệp nói rằng họ chỉ có thể thay đổi từng bước vì thiếu nguồn lực…, phần còn lại chấp nhận “bó tay” với lý do đang trong quá trình chuẩn bị nguồn lực hoặc chưa có gì để theo kịp xu thế.

Diễn đàn Doanh nghiệp trong nền kinh tế số, ngày 17/5. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Công nghệ số vẫn là thách thức

Nhìn sang các nước láng giềng ngay trong khu vực ASEAN,  ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chỉ ra, công nghệ số đang được xem là ưu tiên hàng đầu trong khối ASEAN với mục tiêu đưa khu vực trở thành “một trong năm nền kinh tế số hóa” hàng đầu thế giới trước năm 2025.

Dẫn chứng từ các Báo cáo của Google và Temasek, ông Lộc cho hay, nền kinh tế số của khu vực ASEAN đã đạt được những thành tựu đột phá trong năm 2017 với tốc độ tăng trưởng vượt kỳ vọng, đạt 27%/năm và chạm mốc 50 tỷ USD, chiếm khoảng 2% GDP của khu vực và dự kiến là 6% GDP vào năm 2025. 

Trong khi tại Việt Nam, tỷ trọng thương mại điện tử chỉ vẻn vẹn 3,6% trong tổng doanh số thị trường bán lẻ. “Đây là con số khiêm tốn so với mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 14,5%”, ông Lộc so sánh.

Tại Báo cáo năm nay, với chủ đề “Phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số,” nhiều thách thức lớn gây tác động cản trở đến sự phát triển công nghệ số của doanh nghiệp Việt Nam đã được các nhóm phân tích thẳng thắn chỉ ra.

Cụ thể, thách thức lớn nhất là về thị trường, khi mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm lĩnh thị phần và có mặt trong rất nhiều ngành nghề của nền kinh tế, mà trước mắt là những “gã khổng lồ” Facebook, Google, Microsoft đang phô trương sức mạnh và việc ứng dụng công nghệ số hóa trên toàn cầu. 

Sự đối mặt khác không kém phần cấp bách cũng được Báo cáo này chỉ ra, đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trình độ công nghệ bất cập ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro về tính bảo mật, an toàn thông tin, quyền về dữ liệu. Chưa hết, với các chi phí kho vận cao đi cùng với chất dịch vụ kém xa so với nhiều nước trong khu vực, thương mại điện tử của Việt Nam đang mất đi tính cạnh tranh cũng như lòng tin của người tiêu dùng vào mua sắm trực tuyến.

Điểm vướng mắc khác không thể không nói đến, đó chính là môi trường pháp lý chưa theo kịp với nền kinh tế số. “Đây là thành tố quan trọng. Bởi, chỉ khi có một khung pháp lý phù hợp, nó mới thúc đẩy được quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. Chính sách cần phải xây dựng những luật văn bản điện tử, luật giao dịch điện tử và luật chữ ký số… để hỗ trợ giao dịch điện tử, hơn thế là phải thay đổi nhận thức toàn xã hội, khi công nhận văn bản điện tử cũng có giá trị như trên giấy tờ,” ông Lộc nói.

Cuối cùng là yếu tố con người. Báo cáo từ Vietnamworks thống kê, nhu cầu nhân sự ngành công nghệ thông tin Việt Nam lên mức cao nhất trong lịch sử với gần 15.000 việc làm yêu cầu tuyển dụng (năm 2016) và dự báo ngành này sẽ thiếu hụt khoảng 70.000 nhân sự (đến cuối năm 2018) và con số còn tăng lên tới 500.000 nhân sự (đến năm 2020).

“Không nắm bắt được cơ hội, hòa mình vào xu thế thời đại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua cuộc ngay trên thị trường nội địa thậm chí sẽ phải lùi xuống những thứ bậc thấp hơn trong các chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu,” ông Lộc thúc giục./.

Theo VietNam+

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang