Những con số nêu trên cho thấy, ngành dệt may Việt Nam đã và đang khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, chúng ta lại không có bất kỳ một sản phẩm nào mang tầm quốc tế. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc yếu thế về nguồn tài chính, công nghệ khiến các doanh nghiệp chủ yếu lựa chọn phương thức sản xuất gia công với giá trị mang lại rất thấp. Toàn bộ nguyên, phụ liệu cho đến thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, thậm chí là vốn đầu tư công nghệ sản xuất đều do khách hàng nhập khẩu chỉ định, hỗ trợ và cung cấp.
Ảnh minh họa internet
Chính vì vậy, các sản phẩm làm ra mặc dù được ghi sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam) nhưng thực chất là những sản phẩm được gắn thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, với giá trị gia tăng mang lại lợi nhuận rất lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ theo chuỗi. Ðiều đó cho thấy các doanh nghiệp dệt may đang tham gia thị trường thời trang mới chỉ có uy tín nhất định, ở trình độ sơ khai và chưa có thương hiệu thời trang thực thụ. Trong khi đó, muốn xây dựng được thương hiệu, sản phẩm thời trang ngoài việc cần thời gian để tạo lập phong cách, sự khác biệt phải luôn luôn bảo đảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và kiểu dáng phải phù hợp xu hướng.
Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đã đầu tư và đưa các dòng sản phẩm thời trang có chất lượng ra thị trường tiêu thụ, nhưng hầu hết Việt chưa tạo được giá trị thương hiệu cao, mang lại giá trị lớn và có thể xuất khẩu đi nước ngoài. Ðể xây dựng được một thương hiệu mạnh, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự đầu tư về nguồn lực, nâng cao công tác quản trị, trình độ người lao động, đẩy mạnh khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm,… nhằm tạo ra giá trị riêng biệt. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải xây dựng được chiến lược phát triển thương hiệu một cách cụ thể, theo từng giai đoạn, cấp độ khác nhau để tăng vị thế và giá trị doanh nghiệp.
Khi xây dựng phát triển thành công các thương hiệu sản phẩm, tất yếu sẽ mang lại giá trị thặng dư rất lớn cho các doanh nghiệp do sản phẩm được bán với giá cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm cùng loại khác. Ðồng thời sẽ giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững trên thị trường.
Theo ND